Vị trí
Bán đảo Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang, nằm ở phía Đông của huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, được ví như một ngón tay nhô ra hướng Bắc, ngoài xa, Hòn Ninh Đảo (tức hòn Lớn) vẫn án ngữ phía Đông, tạo thành một vịnh biển rất an toàn, kín gió. Hòn Khói, nằm cách huyện lỵ Ninh Hòa 16 km đường bộ, cách Vạn Giã 50 km đường biển.
Lịch sử
Về tên gọi Hòn Khói, có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây, là cửa biển quan trọng, triều đình cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi ,có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc, thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà.
Trước 1930, Hòn Khói là Tổng Hà Ngoại trực thuộc huyện Vạn Ninh gồm các làng: Đông Hà (Rớ), Đông Hòa (Xóm Bà Đỏi), Đông Hải (mũi Hòn Khói nằm tại làng này), Đông Cát (Xóm Cát), Bình Tây (Xóm Đò), Thạnh Danh, Phú Thọ và Bá Hà (Cồn Cạn). Từ Hòn Khói đi Vạn Ninh có ghe đò nằm tại bến đò Bình Tây. Đến năm 1930, Hòn Khói được sáp nhập vào huyện Ninh Hoà.
Trong thời Pháp thuộc, người Pháp gọi vùng này là Hone-Coché. Một ngôi nhà lầu, bề thế nhất lúc bấy giờ được người Pháp xây dựng lên ở đây, có tên là Douanes et Régies de Hone-Coché (Sở Thương Chánh Hòn Khói). Ngôi nhà được kiến trúc theo kiểu biệt thự của Pháp khá đẹp, nằm trên một ngọn đồi trông ra biển rất yên tĩnh và thơ mộng, nên sau này, trở thành nơi hò hẹn của nhiều cặp tình nhân. Vì vậy, người ta còn gọi đó là Lâu Ðài Tình Ái hoặc Lầu Ông Hoàng (Xin đừng nhầm với Lầu Ông Hoàng của Hàn Mặc Tử ở Phan Thiết). Rất tiếc, trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà đã bị hư hỏng nặng nề.
Ngày nay, Hòn Khói nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Ninh Hoà là : Xã Ninh Hải gồm các thôn: Đông Hà, Đông Hòa, Đông Hải, Đông Cát, Bình Tây. Xã Ninh Diêm gồm các thôn: Thạnh Danh, Phú Thọ, Chánh Thanh, Chánh Bình. Xã Ninh Thủy gồm các thôn: Bá Hà, Ngân Hà, Thủy Đầm. Xã Ninh Phước gồm các thôn: Ninh Tịnh, Ninh Yển, Mỹ Giang, Đầm Vân.
Tiềm năng
Dân Hòn Khói, đa số làm ruộng muối. Dù 3 mặt là biển và sông ngòi nước mặn, nhưng số người làm nghề đánh cá lại ít hơn. Nghề chài lưới ở đây, làm chơi ăn thiệt. Gặp ngày nước cạn xách giỏ dạo quanh mép nước chừng 30 phút là có 1 giỏ đầy cua, ghẹ, tôm sò, hay chèo xuồng ra lạch 2 người lặn chừng 1 giờ là có một rổ ốc nhảy, ốc ngựa. Còn câu cá Suốt, thì không cần mồi, cứ cách 1 tấc cột 1 lưỡi câu, một cần câu, mười lưỡi thả xuống, mỗi lần giật lên được một vài con, cá bị vướng vào lưỡi câu.
Từ trong Cầu Treo, dọc theo 2 bên sông Đò mé làng Đông Hải, nằm rải rác những ụ muối trắng tinh, cứ đến Rằm, Mùng Một nước triều lên, người ta đưa ghe vào chở muối ra Dépot bán. Muối tại Dépot như một hòn núi muối. Dân Hòn Khói, nhờ ăn cá tươi, hít thở ngọn gió biển trong lành, đi bộ trên cát và lao động ngoài nắng gió nên đàn ông, đàn bà người nào cũng rắn chắc vạm vỡ, có tuổi thọ rất cao.
Thôn Đông Hải, thuộc trung tâm Hòn Khói, dân cư đông đúc, nhà ngói san sát. Nơi đây, kho muối của chính phủ với những ngọn núi muối cao ngất trời, vì để lâu ngày nên, kết lại rắn như đá, muốn lấy phải dùng xà beng. Có một con sông cụt như một cái hồ lớn, khiến du khách phải băng qua một con đường độc đạo và một cái cầu, hai bên là nước mặn mới tới được Hòn Khói. Tàu ngoại quốc tới mua muối, phải đậu ngoài khơi để các ghe chở muối từ kho ra bốc lên tàu, mỗi lần như thế, có hàng trăm chiếc ra vào cửa sông tấp nập và tại kho mấy trăm nhân công làm việc cật lực.
Cảnh quan
Hòn Khói có Dốc Lết, cách huyện lỵ Ninh Hòa độ 12 km, là một bãi biển đẹp nổi tiếng, nằm trên một dãi cát trắng tinh như đường cát số 1, cát hột nhỏ rức mà người ta thường lấy đem về bỏ vào lư hương. Gọi Dốc Lết, vì muốn qua bãi tắm phải vượt những đụn cát cao lớn chắn ngang, mỗi bước đi, bàn chân lún sâu xuống cát tới nửa ống chân, đi chừng một vài đoạn là phải lết, phải bò… Nơi đây, không khí thật sự trong lành vì không có nhà cửa xe cộ, gió biển lồng lộng, những đụn cát trắng tinh sáng chiều di chuyển và biến đổi hình dạng để các nhiếp ảnh gia săn tìm những bức ảnh đẹp, trừu tượng, lãng mạn. Đụn cát này, dài độ 10km, chạy từ làng Đông Hải đến nhà máy xi măng Hòn Khói, thuộc xã Ninh Thủy. Ngày nay, Khu Du lịch Dốc Lết được xây dựng rất quy mô với khách sạn, nhà hàng hải sản, trong tương lai, có thể nối dài đến bãi Cây Bàng ra tận mũi Bàn Thang.
Từ Hòn Khói, đi vào bờ biển bằng phẳng, thấp, vì trải qua một bãi cát dài. Vào đến thôn Mỹ Lương, sẽ gặp mũi Gành, suối Nước Ngọt, miếu Cỏ May và suối Nhàu. Từ đó trở vào Nam bờ biển thường cao, dốc, nhiều nơi ghềnh đá chênh vênh, dưới chân ghềnh có nhiều hang hố, có một số hang hố, ăn sâu vào lòng núi làm ngõ ra vào cho những thạch thất, tức động đá ở bên trong, bởi vì núi Hòn Hèo nằm sát biển.
Du khách sẽ đi qua đèo Quít, rồi đến suối Vông, suối Chình, suối Tra, qua thôn Ninh Yển đến suối Cái. Ngoài biển, có các đảo nhỏ như hòn Mỹ Giang, hòn Hỏa, hòn Đỏ, hòn Cứt Chim, hòn Sẹo. Từ suối Cái trở đi, bờ biển hơi bằng phẳng vì cánh đồng thôn Ninh Tịnh nằm sát biển, nơi đây, có bãi Cây Bàng, suối Mỏ Cài, suối Ngang. Từ đó, chân núi Hòn Hèo, giáp biển nên bờ biển lại lởm chởm đá có nhiều mũi như mũi Bàn Thang, mũi Cỏ, mũi Cây Sung, mũi Bãi Chướng, mũi Bắt Tay. Mũi Hòn Thị, là cùng điểm của dãy Phước Hà Sơn. Ngoài biển, có các đảo: hòn Chà Là, hòn Hổ, hòn Rồng, hòn Đụng Chóp Vung, hòn Bạc. Chả thế mà ca dao có câu:
Không ghé thì lại chạy ngay
Đi hết nửa ngày mũi Cỏ, Cây Sung
Chà Là, Hổ, Đụng Chóp Vung
Kinh ngoài Hòn Bạc kinh trong Ninh Hò
Đứng tại hòn Bạc thấy Nha Trang, nhưng nếu quay mũi ghe về phía tay phải sẽ vào vịnh Nha Phu, mặt biển yên tĩnh. Giống như bên vịnh Vân Phong, vịnh Nha Phu núi cũng chạy sát biển, bờ biển cao, có nơi thẳng, ít chỗ lồi lõm như bên Vân Phong, nhưng dưới chân ghềnh cũng có nhiều hang hố ăn thông vào các thạch động ở bên trong núi Hòn Hèo. Trong vịnh, có nhiều đảo như hòn Thị (lớn nhất), hòn Trồng, hòn Rêu, hòn Nứa, hòn Cóc, hòn Lao. Bờ biển phía Đông vịnh Nha Phu cao nhưng bờ biển phía Tây từ cửa Hà Liên vào Ngọc Diêm, Rù Rỳ thấp vì núi chạy xa dần biển, tuy nhiên, thỉnh thoảng, núi đột khởi chạy thọc ra biển khiến bờ biển vụt chênh vênh làm thay đổi hình thể và sắc thái bờ biển, như hòn Hoài ở Ninh Hà, hòn Giốc Thơ ở Tân Thủy (đèo Rọ Tượng).