Đình Xuân Hòa tọa lạc tại thôn Xuân Hòa 2, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
* Nguồn gốc di tích
Năm 1653, người Việt theo bước chân chúa Nguyễn Phúc Tần vào định cư ở vùng đất Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, dọc theo hạ lưu sông Cái và sông Đá (sông Đục) với khoảng từ 20 đến 25 hộ dân sinh sống, sinh kế chủ yếu là trồng trọt và đánh bắt cá. Cộng đồng cư dân phát triển, họ đã cùng nhau xây dựng xóm làng và đặt tên làng là An Hòa (nay là thôn Xuân Hòa, xã Ninh Phụng). Địa danh “An Hòa” được tìm thấy trong địa bạ Khánh Hòa năm 1810 là xã An Hòa, tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa[1].
Về niên đại, căn cứ vào bức hoành phi treo trên xà ngang của Chính điện với nội dung “…ngày lành tháng tư, năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức…”, ta có thể đoán định niên đại của đình Xuân Hòa là năm 1866.
Theo hồi cố và hiện vật trước kia, đình Xuân Hòa được các vua triều Nguyễn ban tặng 05 đạo sắc phong nhưng khi gửi ở chùa Linh Quang (thôn Xuân Hòa) thì bị thất lạc.
Đình Xuân Hòa thờ các vị sau: Thành Hoàng, Tiền hiền, Thổ công, Thánh Nương, Sơn Lâm Chúa tướng, Thủy Long thần nữ, Âm linh.
Đình Xuân Hòa đã qua những lần tu bổ, đó là các năm: 1872, 1900, 1952, 1968.
Mặt bằng tổng thể đình Xuân Hòa
* Sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Xuân Hòa là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử như sau:
– Thời kỳ trước năm 1945: Đình Xuân Hòa là địa điểm hoạt động bí mật của cơ sở cách mạng và cũng là nơi cán bộ cách mạng vận động quần chúng nhân dân tham gia trực tiếp vào cuộc biểu tình ngày 16/7/1930[2]. Đây là cuộc đấu tranh lớn đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động ở Nam Trung bộ, nối tiếp cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 của công nhân Trường Thi, Bến Thuỷ (Nghệ An) góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng trong những năm 1930 – 1931.
– Tại Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ 23/10/1945 – 01/02/1946), đình Xuân Hòa là trụ sở Ủy ban Quân chính Nam Trung bộ.
Ảnh tư liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về kiểm tra tình hình chiến đấu tại đình Xuân Hòa vào năm 1946
Ngoài ra, đình Xuân Hòa còn là trạm quân dân y, cứu chữa thương bệnh binh chiến đấu từ các trận tuyến chuyển về[3]. Bên cạnh đó, để phục vụ cho kháng chiến tại Ninh Hòa, có dây nối từ Bưu điện Ninh Hòa đến Sở chỉ huy của Ủy ban Quân chính Nam phần Trung bộ đóng ở Xuân Hòa (Ninh Phụng)[4].
* Kiến trúc đình Xuân Hòa
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, Án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, Võ ca, Chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.
Toàn bộ kết cấu của đình Xuân Hòa theo kiểu Tam Sơn, gồm 28 cây cột trong đó có 12 cột cái, 2 cột quân, 14 cột hiên. Dựa trên mặt bằng kết cấu kiến trúc hiện tại, có thể nhận ra trước kia đình được bố cục theo lối kiến trúc liên hoàn với 3 gian 2 chái và cả 3 gian: Chính điện, Miếu Thánh Nương, Miếu Âm linh được nối liền với nhau một cách có hệ thống và có chủ ý. Tuy nhiên, để phân biệt riêng rẽ từng vị trí và chức năng thờ cúng, các gian thờ đã được làm ngăn cách với nhau bởi hệ thống tường bao. Điều đó đã tạo nên sự thống nhất liên hoàn trong kết cấu kiến trúc khung gỗ nhưng lại có sự riêng biệt về chức năng thờ cúng của mỗi một gian.
Hàng năm, cộng đồng cư dân thôn Xuân Hòa 1 và Xuân Hòa 2 tổ chức lễ hội đình làng Xuân Hòa theo lệ “Xuân Thu nhị kỳ”. Mùa Xuân (vào ngày 10/01 Âm lịch), nhân dân tổ chức cúng chay, tụng kinh cầu nguyện “Quốc thái dân an”. Mùa Thu (vào tháng 8 Âm lịch), nhân dân tổ chức lễ hội kéo dài 2 ngày 1 đêm. Đình có tổ chức hát Bội tùy theo điều kiện kinh tế đóng góp của dân làng hàng năm.
Lễ Tế chánh tại đình Xuân Hòa
Từ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đình Xuân Hòa, ngày 31/8/2011 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2353/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Xuân Hòa là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
[1] Nguyễn Đình Đầu, 1997, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, HCM, tr.87
[2] Ngày 16/7 hàng năm đã được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh ra Nghị quyết là là “Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa”.
[3] Bộ Thông tin – Truyền thông và Cục Thông tin đối ngoại, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
[4] Nha Trang Khánh Hòa kháng chiến 23 – 10 – 1945, tập III (Tư liệu và hồi ký), Ban Liên lạc 23/10 Nha Trang, Sở Van hoa – Thông tin tỉnh Khánh Hòa, 1996, tr. 73.