Chẳng biết từ bao giờ, dòng sông Dinh vắt ngang thị xã Ninh Hòa lại gây thương, để nhớ cho tôi nhiều đến thế. Cũng không biết tự lúc nào, những câu hát trong bài Ơi con sông Dinh của nhạc sĩ Hình Phước Liên đã thấm vào nỗi nhớ hồn tôi…
1. Tôi sinh ra bên bờ sông Lam của xứ Nghệ thân thương, nơi từng đêm văng vẳng những câu hò, câu ví Nghệ Tĩnh mênh mang sóng nước. Rồi trên bước đường tha hương đến với xứ Trầm, tôi bắt gặp hình bóng dòng sông quê nhà qua màu nước xanh, hàng tre nghiêng bóng đôi bờ sông Dinh. Ngay từ buổi gặp đầu tiên cách đây hơn 15 năm, ấn tượng về dòng sông Dinh như ngày càng sâu đậm hơn trong tôi. Không có cái vẻ hùng vỹ theo kiểu “trường xuyên đại giang, tuôn ngàn vượt núi” như nhiều dòng sông khác trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng sông Dinh được xem là “sợi tim” của phủ Bình Khang xưa, thị xã Ninh Hòa ngày nay. Và như bao dòng sông khác, dòng sông Dinh hiền hòa, nên thơ cũng chất chứa bao nhớ mong, ký ức, hoài niệm của những người con quê hương, cũng như những người xa xứ.
Lần trong sách sử, dòng sông Dinh trước đây từng được mượn tên những vùng đất như: Vĩnh Phú, Vĩnh An, Vĩnh Hòa rồi Ninh Hòa để đặt tên cho sông. Còn tên gọi sông Dinh, theo nhà thơ Quách Tấn trong Xứ Trầm Hương, đó là do “Dinh quan trấn thủ đóng trong vùng Ninh Hòa hiện tại. Nhân sông chạy qua trước dinh, người địa phương mới gọi là sông Dinh cho gọn”. Người dân Khánh Hòa xưa có câu ca: Sông Dinh có ba ngọn nguồn/Anh nhớ em băng đèo, vượt suối/Nhưng không biết đường tìm đến thăm em. Ba ngọn nguồn hợp thành sông Dinh chính là sông Cái, sông Cây Sao và sông Đá Bàn. Dòng sông Dinh sau khi chảy qua các xóm làng, tưới mát ruộng vườn trên dọc đường đi đã hòa mình vào biển cả ở cửa Hà Liên (phường Ninh Hà).
2. Đến bên bờ sông Dinh hôm nay, chúng ta còn biết đến một công trình trên sông đó là đập chị Trừ. Tên công trình ghi nhớ về câu chuyện một người nữ anh hùng của quê hương Ninh Hòa trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Trừ (1925-1947), chiến sĩ của Đội vũ trang khu phố Ninh Hòa đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh khiến kẻ địch khiếp sợ. Tháng 7-1947, chị tham gia trận đánh ngay tại trung tâm chợ Dinh và đường lên ga Ninh Hòa. Chị đã dùng lựu đạn nổ diệt nhiều tên địch, nhưng trên đường thoát ra ngoài, chị không may bị địch bắt. Mặc dù kẻ thù dùng nhiều hình thức tra tấn dã man, nhưng với khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, chị đã không khai một lời. Ngày 27-7-1947, kẻ địch đã hành hình chị ở gò Phước Lý (xã Ninh Bình). Tuổi đôi mươi của chị đã hòa vào dòng nước sông Dinh để góp phần làm đẹp cho truyền thống quê hương.
Trong những năm gần đây, cứ mỗi độ đầu xuân, tôi lại được đến với sông Dinh để tham dự lễ hội thuyền hoa và đua thuyền. Cả một khúc sông quê vốn thâm trầm, bình lặng bỗng trở nên rực rỡ, náo nhiệt với cờ hoa, cùng hàng nghìn người nô nức xem hội. Bao giờ cũng thế, những giai điệu, lời ca dung dị, mượt mà, tình cảm đi sâu vào lòng người của bài hát Ơi con sông Dinh lại được vang lên. Từ hơn 40 năm trước, nhạc sĩ Hình Phước Liên, một người con của vùng quê Ninh Hà – nơi dòng sông Dinh hòa vào với biển đã thổn thức viết nên những câu hát thật đẹp, thật tình về con sông quê mình. Bài hát về một dòng sông cụ thể, nhưng lại được nhiều người đón nhận bởi đã nói hộ tâm tư của những ai từng gắn bó với một dòng sông bất kỳ trên đất Việt thân yêu. Không xốn xang, thổn thức sao được khi nghe từng câu hát:…Bình thường bình thường thôi/Dòng sông quê hương tôi/Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà/Là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ/Như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô…
Dòng sông Dinh đã đi vào nỗi nhớ của biết bao người con Ninh Hòa, dù đó là những người đang ngày đêm được ngắm nhìn, đắm mình trong dòng nước xanh quê nhà, hay những người con xa quê luôn khắc khoải hình bóng sông quê. Rồi cảnh vật, vẻ dung dị, hiền hòa của dòng sông Dinh cũng khiến cho những người từ phương xa đến phải xao lòng. Sông Dinh – dòng sông của những nỗi niềm; chứng tích cho nét đẹp văn hóa, truyền thống lịch sử vùng đất Ninh Hòa xưa và nay.
Giang Đình