Ninh Hoà Online
  • Trang chủ
  • Tổng Quan
  • Địa Linh
  • Nhân Kiệt
  • Văn Hóa
    • Lễ Hội
    • Làng Nghề
    • Truyền Thuyết
    • Cao Dao – Dân Ca
    • Văn Học Nghệ Thuật
  • Danh Thắng
    • Di Tích
    • Danh Thắng Tự Nhiên
    • Danh Thắng Nhân Tạo
  • Đặc Sản
    • Ẩm Thực
    • Nông Sản
    • Hải Sản
    • Dược Liệu
    • Thủ Công Mỹ Nghệ
  • Tin Tức
No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Tổng Quan
  • Địa Linh
  • Nhân Kiệt
  • Văn Hóa
    • Lễ Hội
    • Làng Nghề
    • Truyền Thuyết
    • Cao Dao – Dân Ca
    • Văn Học Nghệ Thuật
  • Danh Thắng
    • Di Tích
    • Danh Thắng Tự Nhiên
    • Danh Thắng Nhân Tạo
  • Đặc Sản
    • Ẩm Thực
    • Nông Sản
    • Hải Sản
    • Dược Liệu
    • Thủ Công Mỹ Nghệ
  • Tin Tức
No Result
View All Result
Ninh Hoà Online
No Result
View All Result
Home Văn Hóa Cao Dao - Dân Ca

Hò cấy lúa ở Ninh Hòa

Ninh Hoà Online by Ninh Hoà Online
26/05/2014
in Cao Dao - Dân Ca
0
Hò cấy lúa ở Ninh Hòa

Hò cấy lúa ở Ninh Hòa

0
SHARES
33
VIEWS
Share on FacebookShare on Twitter

Tôi có đứa cháu ở nông thôn năm nay học lớp 5, bữa nọ năn nỉ tôi tả cảnh cấy lúa giúp cháu. Tôi nói: Sao cháu không tự làm? Cháu mới thành thực trả lời: Cháu chưa bao giờ thấy người cấy lúa. Đứa trẻ ở nông thôn mà còn chưa biết người cấy lúa huống chi những trẻ ở thành phố. Hình ảnh người cấy lúa thật  xa vời trong tâm trí của những trẻ em thời nay.

Cấy lúa đã không còn ở quê tôi (Ninh Hoà) vào khoảng năm 1990, kể từ khi nông dân biết dùng thuốc trừ cỏ dại 2,4D. Quan niệm: “Một cây lúa trồng bằng một đồng lúa mọc” đã không còn đúng nữa. Nông dân biết gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ thay cho cấy lúa. Đây là một cải tiến kỹ thuật gieo trồng, đem lại nhiều lợi ích, giảm chi phí công lao động, tăng năng xuất lúa, nhưng nó cũng làm mất đi hình ảnh nên thơ, đậm đà văn hoá dân gian: Cấy lúa.

Câu ca dao:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Bây giờ không còn nữa, làm đất bằng máy cày rồi gieo sạ thẳng xuống ruộng, trên đồng không thấy bóng dáng con trâu đâu huống chi người cấy lúa.

Thế rồi tôi có ý nghĩ viết lại công việc cấy lúa ở quê tôi ngày xưa như thế nào, có thể nhiều người còn biết nhưng cũng có số không biết, nhất là các em tuổi mới vừa hơn chục, chưa thấy người cấy lúa bao giờ.

Khoảng 50 năm về trước, quê tôi mỗi năm sản xuất  1 vụ lúa, các giống lúa nội địa (Lúa Gòn Bọt, Gòn Sẻ, Nàng Hương…), thời gian sinh trưởng dài ngày, năng xuất thấp, nhưng chống chịu được sâu bệnh, nắng hạn tốt, dù gieo cấy ở thời gian nào cũng đợi gió bấc lạnh thổi về lúa mới trổ bông.

Việc đầu tiên làm ruộng là chọn đất làm sướng mạ, đất pha cát càng tốt, cao ráo dễ thoát nuớc, vào khoảng tháng 5 tháng 6 âm lịch, người ta làm đất cày bừa kỹ, cắt rỗng thành luống rộng khoảng 1,5m – 2m, rồi trang bằng phẳng mặt ruộng, để qua một đêm lắng bùn non mới tiến hành gieo mạ.

Sau đó chủ ruộng chặt tre chẻ lạt, tre non tuổi chừng 5 tháng tuổi trở lại, chặt về “ra lạt” thành những hanh dài khoảng 2 tấc, để đêm đến rảnh rỗi, người ta dùng miệng tước lạt. Thường là những đêm trăng sáng, trai gái tụ tập về từng nhà vừa tước lạt vừa kể chuyện vui đùa, ca hát, nay nhà này mai nhà kia khi có yêu cầu của chủ gia đình. Việc tước lạt là cơ hội để trai gái gặp nhau, tỏ bày tâm sự ở nông thôn thời ấy, khi mà ban đêm không có những loại hình giải trí như TV, video như bây giờ.

ho-cay-lua-c

Khi mạ được 1 tháng tuổi, người ta lo nhổ mạ đem cấy ở ruộng.

Cấy lúa thường vào buổi sáng, như vậy ngay từ buổi chiều hôm trước đã nhổ mạ. Mỗi công mạ được tính từ 400 bó đến 600 bó tuỳ theo địa phương. Sau đó những anh “trai cày” hớt đọt cho bằng đầu rồi chất vào giỏ “trạc mạ” gánh ra dâm xuống ruộng để ngày mai chờ “nậu cấy”. Theo kinh nghiệm nhà nông, mạ phải để qua một đêm cho có màu úa vàng, rồi mới cấy, cây lúa mau phát triển, cho nên có câu hát:

Mạ úa cấy lúa mau xanh

Goá chồng mau đẻ sao anh hững hờ.

Sáng hôm sau từng đoàn “nậu cấy” ra đồng sớm, đây là công việc  sôi nổi nhất nhà nông, ngày xưa có câu đố tả người cấy lúa như sau:

Một tay bế lũ con thơ,

Một tay giành lấy mà đưa xuống bùn.

Thời gian cấy lúa gòn một vụ kéo dài có khi hơn một tháng, hết đồng này sang đồng khác. Đây là công việc nặng nhọc nhất dành riêng cho người phụ nữ nhà nông thời đó. Để quên đi nỗi khó khăn gian khổ, trong quá trình  giao lưu giữa các chị em làng trên xóm dưới, có hò hát đối đáp gọi là hò cấy lúa. Việc này thể hiện qua câu hát:

Em ôm bó mạ xuống đồng

Miệng hò tay cấy mà lòng nhớ ai?

Người hò cấy lúa là phụ nữ, không phân biệt tuổi tác, có chồng hay chưa, không như hò giã gạo, hò đối đáp  giữa trai gái chưa có chồng vợ. Cũng vì hò cấy lúa đối đáp giữa các chị em phụ nữ với nhau, nên nội dung hát thưòng là hát truyện tích, hát nhân nghĩa, hát đố….bài hát ít, thường không đủ dùng, họ phải cần sáng tạo đặt lời hát thêm. Trong khi hò đối đáp giữa thanh niên trai và gái với nhau, nội dung  tình cảm lứa đôi, vui mừng , oán trách. Bài hát loại này rất nhiều đa dạng, phong phú, người hát dễ đặt lời, có khi hát nhiều đêm không hết.

Thông thường  hò cấy lúa diễn ra ngay trên đám ruộng trong lúc lao động. Hát  để quên đi nỗi mệt nhọc khi cấy lúa, đồng thời cũng là giao lưu văn hoá giữa các chị em trong xóm hoặc làng kề bên. Khán giả nghe hò ngoài một vài anh “trai cày” gánh mạ, một số các cụ lão nghe có hát ra đồng chơi để nhớ về tuổi thanh xuân và đám cò trắng đứng trầm ngâm ở ruộng kế bên. Không hiểu sao, mỗi khi cấy lúa thì lại  có lũ cò đứng nhìn, cho nên có câu hát mở đầu cuộc hò cấy lúa thuờng là:

Hò hơ… Tới đây không hát thì hò

Không phải con cò nghểnh cổ mà nghe.

Thế rồi 2 bên hò nhập cuộc.

Có hát, hát bổng lời cao

Cho gió lọt vào cho chị em nghe.

Khoảng cách giữa 2 nhóm hò cấy lúa thường là một đám ruộng, mùa cấy lúa có gió nam, nên phải hát to lên mới nghe được.

Cuộc hò đối đáp nào cũng thường chia làm 3 phần: Hò chào hỏi, hò vào cuộc và hò từ tạ.

Sau đây là các câu chào hỏi thường dùng, rồi hò vào cuộc luôn.

Xin chào các chị làng bên

Cấy lúa mình sẽ làm quen câu hò.

Hò ơi hò…..

Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ

Thiên hạ hà nhân bất thức quân (1)

May sao gặp bạn hồng quần

Ta cùng học hỏi nghĩa nhân mới là.

Nhớ tích xưa

Thương thay cho kẻ quạt mồ

Ghét thay cho kẻ cầm vồ tháo săng

Chuyện đời lấy ấy làm răn

Xin thưa các chị đạo hằng ở đâu?

Mặc dù phụ nữ Ninh Hoà ngày xưa ít học, tuy nhiên cũng muốn chứng tỏ mình hiểu biết, rành chuyện chữ nghĩa, cho nên thường hát những câu có chữ Nho như thế.

Đám cấy bên làng này  hò đáp lại:

Hò ơi hò

Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm

Bất thị thi nhân mạc hiến thi  (2)

Cảm ơn người bạn tương tri

Tui biết chi nói nấy đỡ thì vài câu

Đạo hằng  ở tại trên đầu

Thân gầy cõng mẹ phiêu du tìm chồng

Lóc thịt dâng mẹ no lòng

Quỷ thần cảm động mà không hại nàng.

Tới phiên bên kia hỏi:

Ngũ luân  nghĩa thật cao sâu

Quân thần nghĩa trọng dám đâu sai lời

Phụ tử tình nặng chớ phai

Phu thê tấm cám trọn đời thuỷ chung

Hò  ơ hò

Còn ai là đứa vô nghì

Cướp công của bạn nhận giết thì chằng tinh?

Đáp:

Thương thay cho chú Thạch Sanh

Bị thằng họ Lý bạc tình anh em

Trời cao báo ứng không lầm

Ác giả thì bị hoạ thâm đó bạn vàng.

Hỏi:

Ai kia chuộng quí tham sang

Nhẫn tâm giết vợ để mang công hầu?

Đáp:

Chuyện xưa Ngô Khởi  ác tâm

Bất lương giết vợ để làm nguyên nhung

Nhưng trời đâu có thứ dung

Về sau quả báo vận cùng bị xé thây.

Trên đây là những câu hò nhân nghĩa, dùng truyện tích bên Trung Quốc. Trong khi ở nước ta, nhân vật anh hùng, nghĩa nhân rất nhiều nhưng chưa được nhắc đến, cho thấy việc phổ biến lịch sử nước nhà còn hạn chế, chỉ đến khi thời gian chống Pháp mới có vài câu hát đối đáp như sau:

Hò ơ hò

Tiếng đồn bên ấy hay chữ

Xin hỏi đôi câu lịch sử Khánh Hoà

Từ ngày Tây cướp nước ta

Có ai khởi nghĩa xông pha diệt thù?

Đáp:

Nghe lời hỏi chuyện quê ta

Nhớ người trung nghĩa xót xa tấc lòng

Khánh Hoà thì có 3 ông

Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị

Ông Trịnh Phong lo mặt biển Cù

Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu

Ba ông một dạ ngàn thu còn truyền.

Có khi cuộc hò  sang nội dung mới, giao lưu văn hoá để quên đi mệt nhọc, không tính việc đối đáp hơn thua nên chuyển sang hò tình cảm lứa đôi, nhóm cấy này đóng vai trai, bên kia vai gái cùng nhau hò đối đáp thổ lộ tâm sự. Câu hát thuộc dạng này rất nhiều, phổ biến rộng, phần nhiều lời hát có từ những miền ngoài: Bình Định, Phú Yên, nhưng ở Ninh Hoà thường hát. Sau một thời gian sinh sống ở Ninh Hoà, nhân dân sáng tạo ra những câu hát riêng cho Ninh Hoà như:

Nam:              

Anh đứng trên đèo Cổ Mã

Nhìn vô hướng làng xã Ninh Hòa.           

Nữ:                 

Em đứng trên núi Ổ Gà

Nhìn ra ngoài Vạn Giã Tu Bông

Sợ rằng cha mẹ có thương không?

Em trong này, anh ngoài đó kẻo uổng công đợi chờ.

(Ổ Gà là tên hòn núi thuộc địa phận xã Ninh Đông, huyện Ninh Hoà, nơi có nhiều cọp.).

Hoặc:

Nam:              

Anh đứng bên bờ sông Đá

Nhìn vô hướng làng xã Ninh Hoà

Nữ:                 

Em đứng bên bờ sông Lốt

Nhìn suốt xuống Quang Đông

Tại vì cha mẹ nói không

Thôi đừng thương nữa kẻo uổng công đợi chờ.

(Sông Đá hay còn gọi sông Cây Sao,phát nguyên từ Buôn Lác, chảy qua thôn Tân Lâm, Ninh Thượng, hợp lưu với Sông Cái ở Xã Ninh Phụng, xưa kia là ranh giới huyện Quảng Phước và Tân Định.

Sông Lốt phát nguyên từ núi Đá Bàn, chảy qua xã Ninh Đông, hợp lưu với sông Cái ở Thị trấn Ninh Hoà).

Nam:  

Cu ăn bờ đập lăng xăng

Cậy ai làm mối Phú Văn em đành

Nữ:     

Phú Văn tốt đất trồng hành

To cây lớn bẹ dạ em đành Phú Văn.

(Phú Văn là tên thôn, thuộc xã Ninh Trung ngày hôm nay).

Sau đây là câu hát đố chữ Nho ở Ninh Hoà:

Nam:              

Cô kia tắm cạnh giòng nước trong (là chữ nhữ)

Da cô hồng hồng tôi muốn tắm chung

Nước trong tôi sẽ  ra công (là chữ giang)

Kỳ lưng cho cô tắm để đôi má hồng thêm xinh.

Nữ:                 

Anh về rủ bạn rủ bè

Đội hết đá Hòn Lớn đem đè xuống biển Đông (là chữ băng)

Nếu mà đội đá không xong

Tôi cho anh tắm cùng chung với bầy bò.

(Hòn Lớn ta tên hòn núi ở cánh nam huyện Ninh Hoà).

Nữ:                 

Chim bay mỏi cánh chim sà

Chàng qua sông Cái mời vào nhà thiếp chơi

Vào nhà mời miếng trầu cay

Giữa quệt vôi đỏ bỏ khay ngô đồng

Thuốc ngon quấn giấy tơ hồng

Mời tô nước lượt mát lòng khách xa.

Nam:

Nhà bậu ở tận làng xa

Muốn đi qua đó phải bước qua nhịp cầu

Trước nhà giâm một hàng trầu

Mà sao chẳng thấy trồng cau nơi nào

Lòng qua  ước muốn bước vào

Xin cha mẹ cho phụ vét hào trồng cau

Mai kia cau lớn bên trầu

Trầu xanh cau tốt cùng nhau kết nguyền.

(Sông Cái phát nguyên từ núi Vọng Phu, chảy qua Dục Mỹ , đến Ninh hoà hợp lưu với sông Lốt, Sông Đá  chảy ra biển).

Nam hò:         

Qua đụt mưa trong chòi đất Hộ          

Nhìn ra thấy bậu đứng đó chận trâu

Qua đây đã sẵn có trầu

Rủi quên đem dún đem cau để dùng

Em bậu có dún có cau không?

Trầu qua đem đến mình nhai chung cho ấm lòng.

Nữ đáp:          

Tui chận trâu cũng liệu thời liệu tiết

Trong tháng bảy đã có mưa ngâu

Ra đồng đem đủ trầu cau

Đủ thuốc đủ dún lọ cầu đến ai

Giữa đồng rủi gặp mưa dai

Trầu cau sẵn có mà nhai cho ấm lòng.

(Hộ : tên thôn Quảng Cư, Xã Ninh Trung, Huyện Ninh Hoà).

Nam hỏi:        

Ngó lên trên núi Ổ Gà

Ngó xuống Văn Định thấy ba cô ngoài đồng

Hai cô má đỏ hồng hồng

Một cô da trắng có chồng hay chưa?

Nữ đáp:          

Có chồng năm ngoái năm xưa

Năm nay chồng bỏ cũng như chưa có chồng.

(Văn Định là tên thôn, thuộc xã Ninh Đông, huyện Ninh Hoà).

Nữ hỏi:

Hôm qua gìơ Mẹo

Thiếp đi chợ Gò Miêu

Rao bán một con mèo

Mèo chưa bán được thiếp đối meo cả lòng

Xách mèo về gặp bác Bốn Mão ở Quan Đông

Bác hứa mua cho anh Chấn

Chỉ trong vòng tháng hai

Hết tháng hai sao chẳng thấy ai?

Chàng mà đáp được thiếp theo ngay chân chàng.

Nam đáp:

Ở đời phải giữ ngũ thường

Lòng qua không thích bậu trớ trường đổi thay

Xin bậu nghe qua đáp đây:

Hôm kia giờ tuất

Qua đến quán cây Cầy

Đem tiền muôn mua con cẩu choai choai

Muời Dư không bán  chỉ đổi  vài cái trứng non

Thấy người lạ lũ khuyển sủa càn

Hẹn tháng chín gió bấc qua sang  bắt về

Lời đáp cũng đã xuôi bề

Thôi thôi ta hãy  chung ghe thuận giòng.

(Quan Đông là tên làng xưa, bây giờ là thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, Huyện Ninh Hoà).

Nam  hát:                  

Ngó lên dừa ngã ba cây

Thấy em khôn khéo muốn gầy nghĩa nhơn.

Nữ đáp:

Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề

Gánh từ Đại Mỹ gánh về Phú Văn

Em ngồi em kể công ơn

Bạc vàng nặng ít, nghĩa nhơn nặng nhiều.

Đại Mỹ là tên thôn, thuộc xã Ninh Thân, huyện Ninh Hoà.

Phú Văn là tên thôn, thuộc xã Ninh Trung, huyện Ninh Hoà. 2 xã trên liền kề nhau.

Sau đây là câu hát oán trách:

Nam hát:                    

Qua tổng Thượng, nhớ bậu tổng Trung

Trách lòng cha mẹ chẳng bao dung

Qua chờ bậu đợi uổng công hai đàng.

Nữ đáp:                      

Qua cầu ván mỏng gập ghềnh

Em đi không đặng một mình thở than

Biết chừng nào phụng mới gặp loan

Năm canh ruột héo gan vàng nhớ anh.

Tổng Thượng:  tên Tổng Thân Thượng.

Tổng Trung: tên Tổng Hiệp Trung. Là đơn vị hành chính thời triều Nguyễn, gồm nhiều xã hợp lại, của huyện  Tân Định (Ninh Hoà)

Hoặc bài hát thở than như sau:

Tui ngó xuống núi Ổ Gà

Rồi ngó qua Hòn Lớn

Oán giận cho người dạ đoản

Đã phụ bạc lời thề

Khinh con người chơi lựu quên lê

Quên nhơn quên ngãi lối về cũng quên

Không ngờ gã mặt trắng kia mà lòng lại đen

Làm sao xứng đáng ở trên cõi đời

Chấp tay tui phú cho ông Trời

Phụ người, người sẽ phụ mười lần hơn

Chị em ơi nghe tui nói rõ nguồn cơn

Thấy gã mặt trắng chớ nên đứng gần

Đám hò kết ngãi kết nhơn

Chớ không kết kẻ vong ơn bội tình

Có câu đức trọng tài khinh

Gã kia đi cho khuất mắt, Chớ còn đứng đó chình ình làm chi.

Ổ Gà, Hòn Lớn là tên 2 hòn núi ở Ninh Hoà, thời kháng chiến chống Pháp là cơ sở căn cứ Cách mạng. Bài hát này thể hiện tình cảm người con gái, ghét cay ghét đắng “gã mặt trắng, Cai L. B”, người trước kia theo Cách Mạng, sau đó theo Tây,  phản bội lời thề xưa.

Tiếp theo là câu hò nói lái:

Nữ hỏi:

Có nàng Thị Mãnh ở nơi xa

Tơí làng Thạnh Mỹ tìm nhà em trai?

Nam : 

Em nàng đã xuống Bình Tây

Bầy tinh biết được chận ngay giữa đàng.

(Thạnh Mỹ là tên làng, nay thuộc xã Ninh Quang, huyện Ninh Hoà)

(Bình Tây là tên làng, nay thuộc xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hoà).

Trên đây là những câu hát đặc trưng của Ninh Hoà, vì nó dính liền với tên đất tên làng ở Ninh Hoà. Ngoài ra cũng có nhiều câu hát khác được đặt ra ở Ninh Hoà nhưng do không xác định được địa điểm thời gian, nhưng người  Ninh Hoà thường hát, nên chỉ nói là câu hò ở vùng Nam Trung Bộ.

Đó là  hò cấy lúa chuyển sang giao lưu vui vẻ, nhưng cũng cuộc hò chuyển sang gay cấn, đối đáp hơn thua từng câu một, bên nào cũng tìm ra những câu hỏi khó, mới đặt ra, để dồn đối phương vào thế bí, không trả lời được. Câu hỏi thuộc nhiều loại, truyện tích, nhân nghĩa, câu đố chữ nho, chữ quốc  ngữ, câu đố thông thuờng, hò nói lái….. Vì tính chất sôi nổi, căng thẳng trong đối đáp giữa các nhóm cấy, nhất là ở khác làng, cho nên trong nhóm cấy thường có những người hơi lớn tuổi, kinh nghiệm đối đáp nhiều, để góp ý hò đối lại bên kia khi gặp những câu hỏi khó. Thường là đối đáp giữa những nhóm cấy trong xóm với nhau, nhưng ở quê tôi, khi cấy đến ruộng Học Điền, ruộng làng cấp phát cho gia đình có con em đi học, giáp ranh giữa làng kế bên. Các chủ ruộng sắp xếp cho 2 khu vực này cấy trong một ngày để có hò cấy lúa đối đáp thật sôi nổi, hôm ấy có nhiều cụ già, rảnh rỗi công việc ra ngồi bờ ruộng lắng nghe câu hò, bình phẩm thật lý thú.

Cuộc chơi nào cũng đến hồi kết thúc, những người cấy lúa xong ra về, để lại đồng ruộng khoác chiếc áo mới: Màu vàng úa.Nhưng những giọng hát câu hò như vẫn còn đọng lại đâu đây, khi mà những con cò  vẫn còn trầm ngâm đứng đó. Thời gian trôi qua, cánh đồng Học Điền quê tôi đã không còn tên, con cò trắng chủ đồng ruộng bị mất dần, câu hò cấy lúa đậm đà nét đẹp quê hương cũng không còn. Hãy đọc những trang giấy này để nhớ về quê hương tôi./.

Đỗ  Độ

Thôn Tân Tứ, xã Ninh Thượng, Ninh Hoà, Khánh Hoà

GHI CHÚ:

(1) Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, thiên hạ hà nhân bất thức quân: Hai câu này xuất xứ từ bài “Biệt Đổng Đại” của Cao Thích đời Đường, nghĩa là: Đừng buồn nơi đất khách không bạn tri kỷ, trong thiên hạ ai người chẳng biết anh.

(2): Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm, Bất thị thi nhân mạc hiến thi: Nghĩa là:Gặp kiếm khách nói chuyện kiếm pháp với họ, đừng nên nói chuyện thi ca với kẻ không biết làm thơ.

Tags: đỗ độhòhò cấy luacấy lua
Ninh Hoà Online

Ninh Hoà Online

Related Posts

Những câu hò giã gạo Ninh Hoà
Cao Dao - Dân Ca

Những câu hò giã gạo Ninh Hoà

30/10/2013
Hò giã gạo – Dân ca Ninh Hoà
Cao Dao - Dân Ca

Hò giã gạo – Dân ca Ninh Hoà

16/09/2013
Next Post
Xứ Dừa Vạn Thiện – Ninh Đa

Dừa xiêm Ninh Đa

Về Ninh Hòa ăn bánh canh lá hẹ

Về Ninh Hòa ăn bánh canh lá hẹ

Làng chài Hà Liên

Làng chài Hà Liên

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Categories

  • Danh Thắng
  • Đặc Sản
  • Di Tích
  • Lễ Hội
  • Ẩm Thực
  • Danh Thắng Tự Nhiên
  • Làng Nghề
  • Nông Sản
  • Hải Sản
  • Cao Dao – Dân Ca
  • Dược Liệu
  • Tin Tức
  • Tổng Quan
  • Địa Linh
  • Nhân Kiệt
  • Văn Hóa

Topics

biển bánh căn bánh ướt chiếu cói chợ dinh cá cơm cá cơm trỏng cá ồ cô trúc cửa sông di tích dệt chiếu festival biển gỏi lua hoa cúc hòn khói jungle beach kỳ an làng nghề truyền thống lễ hội mắm ruột nem nguyễn xuân thục ninh diêm ninh phụng ninh quang ninh thủy ninh ích nấu mẳn phần mộ quan cai cơ sương sa sương sâm thái khang thích quảng đức thạn danh tin tức tết văn chỉ ninh hòa đình phong phú đình thạnh danh đình tân hưng đình đại cát đảo khỉ đầm lầy
No Result
View All Result

Ninh Hòa Online

Tin Mới

  • Mở rộng thị trường cho sản phẩm rau an toàn Ninh Đông 26/02/2023
  • Phát triển cây xáo tam phân ở Ninh Hòa 26/02/2023
  • Có dòng sông Dinh chảy tràn trong nỗi nhớ! 26/02/2023
  • Độc đáo cách chế biến đặc sản nem Ninh Hoà 26/02/2023
  • Nghề làm giá sạch ở Ninh Hòa 13/03/2022

Chuyên mục

  • Danh Thắng
  • Đặc Sản
  • Di Tích
  • Lễ Hội
  • Ẩm Thực
  • Danh Thắng Tự Nhiên
  • Làng Nghề
  • Nông Sản
  • Hải Sản
  • Cao Dao – Dân Ca
  • Dược Liệu
  • Tin Tức
  • Tổng Quan
  • Địa Linh
  • Nhân Kiệt
  • Văn Hóa

[mc4wp_form]

Bản quyền © 2020 Ninh Hòa Online

No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Tổng Quan
  • Địa Linh
  • Nhân Kiệt
  • Văn Hóa
    • Lễ Hội
    • Làng Nghề
    • Truyền Thuyết
    • Cao Dao – Dân Ca
    • Văn Học Nghệ Thuật
  • Danh Thắng
    • Di Tích
    • Danh Thắng Tự Nhiên
    • Danh Thắng Nhân Tạo
  • Đặc Sản
    • Ẩm Thực
    • Nông Sản
    • Hải Sản
    • Dược Liệu
    • Thủ Công Mỹ Nghệ
  • Tin Tức

© 2023 JNews - Premium WordPress news & magazine theme by Jegtheme.