Là một vùng đất với sự hội tụ của núi, sông, rừng, biển đã tạo nên những kỳ tích, danh thắng như vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu và thắng cảnh Ba Hồ… với bề dày lịch sử hình thành trên 350 năm, Ninh Hòa có một di sản văn hóa phi vật thể rất đồ sộ. Lễ Kỳ An – Xuân Tế (Tế xuân – cầu an) là một phần của di sản văn hóa ấy.
Hiện nay Ninh Hòa có hơn một trăm đình làng tọa lạc tại 27 xã, thị trấn trong huyện, trong đó có những ngôi đình nổi tiếng như: Mỹ Hiệp, Xuân Hòa, Mỹ Hoán, Đại Tập, Mỹ Sự, Tân Phong, Thuận Lễ… Đặc biệt là đình Xuân Hòa – xã Ninh Phụng được xây dựng năm Nhâm Thân, triều Gia Long thứ 11 (1812) và đình Mỹ Hiệp – thị trấn Ninh Hòa, xây dựng năm Tân Hợi, triều Tự Đức thứ 4 (1851). Đình Mỹ Hiệp gắn liền với phong trào Cần Vương chống Pháp của nhân dân Khánh Hòa giai đoạn 1885-1887
Có thể nói rằng, hệ thống đình làng ở Ninh Hòa đều thể hiện rất rõ nét tương đồng: Đó là hiện tượng phối thờ, phối tế ở các thôn xã, rất giống với hiện tượng phối thờ, phối tế của cư dân vùng biển ở Khánh Hòa trong việc hợp nhất lăng và đình trong cả kiến trúc lẫn Lễ Tế Xuân-thu nhị kỳ.
Đình làng là nơi sinh hoạt của cộng đồng. Lễ Kỳ An nhằm cầu chúc cho cộng đồng bình yên, vững mạnh. Nghi thức tế chính được quy định:
– Niệm hương;
– Hành sơ hiến lễ (cúng tuần rượu thứ nhất);
– Đọc văn tế;
– Hành Á hiến lễ (lễ cúng tuần rượu thứ hai};
– Hành chung hiến lễ (cúng tuần rượu thứ ba).
Phải dâng 3 tuần rượu, không được dâng 2 hoặc 4. Số 3 tiêu biểu cho thiên, địa, nhân (trời, đất, người) .
Việc tổ chức lễ Kỳ an – Xuân tế ở các đình làng ở Ninh Hòa có thể khác nhau về ngày tế lễ, nhưng lại rất giống nhau về các nghi thức cúng tế trong buổi lễ. Trong bài viết này, chúng tôi xin được khảo tả: Lễ Kỳ an – Xuân tế ởđình làng Chấp Lễ, xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa để giới thiệu cùng bạn đọc những nét chung của lễ tế này ở vùng đất Ninh Hòa.
Được tổ chức vào các ngày 15 và 16/2 âm lịch hàng năm, Lễ Kỳ an, hay còn gọi là Lễ cúng đình ở làng Chấp Lễ khởi đầu bằng cảnh rước sắc phong từ nhà thờ Tiền hiền về đình làng (lúc 15 giờ ngày 15 tháng 2 âm lịch). Mở đầu cảnh rước sắc phong là lễ Thượng hương. Sau 3 hồi 9 tiếng chinh, cổ là nhạc tế. Giữa nền nhạc bát âm, đội lân vào chầu phục trước long đình và điện thờ thần… Bốn sắc phong được vị chánh tế lần lượt mở ra để thỉnh nhập long đình giữa hai hàng cờ ngũ sắc và thập bát ban binh khí ứng chầu.
Trong bốn sắc phong thì có ba sắc phong của các triều vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân phong tước hiệu cho Thành hoàng làng là “Đại Càn Quốc gia Nam Hái Tứ vị tôn thần ” và một sắc phong triều Khải Định phong Bà Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi tước hiệu “Hồng Nhân phổ tế Linh ứng Tôn thần”.
Trong nền nhạc của bài Bá lệnh, kiệu rước long đình theo hướng hương lộ, qua chợ làng, tiến thẳng về đình – nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi sẽ diễn ra lễ Tế chánh. Tại đình làng, bốn sắc phong thần được vị chủ tế thỉnh nhập điện thờ thần. Sau đó, chuyển sang lễ cúng cô hồn…
Nếu ở lễ hội Cầu Ngư, lễ Tống Na – tức lễ cúng cô hồn được diễn ra sau lễ Tế chánh và lễ Tôn vương, thì trong lễ Kỳ an – Xuân tế ở huyện Ninh Hòa, lễ cúng cô hồn lại diễn ra ngay sau lễ rước sắc phong nhập điện thờ Thần…
Lễ cúng cô hồn ở đình làng Chấp Lễ diễn ra lúc 18 giờ ngày 15 tháng 2 âm lịch.
Địa điểm hành lễ: Tại miếu Cô Hồn – bên tả của đình làng và tách rời với điện thờ Thần. Văn tế của lễ cúng cô hồn ở các đình làng rất giống với Văn tế của lễ Tống Na trong lễ Cầu Ngư của cư dân vùng biển. Văn tế cô hồn thật là lâm ly, bi thiết, xót thương cho những vong hồn đã về nơi chín suối nhưng cõi nhân gian không có ai cúng tế, phụng thờ.
Lễ Tỉnh sanh – Túc yết diễn ra vào lúc 0 giờ 1 phút ngày 16 tháng 2 âm lịch.
Sau khi khởi chinh, cổ, trong nền nhạc lễ, vị Chánh tế làm lễ tế cáo trời đất dâng hương, dâng rượu tại hương án được đặt trước sân đình… Vật phẩm hiến tế của lễ Tỉnh sanh trong lễ cúng đình ngoài hương, đăng, trà, quả, rượu còn có heo và con heo ấy phải là loại heo toàn sắc, toàn sinh (tức là – loại heo một màu, và tế sống nguyên con). Sau khi heo bị thọc tiết và được đưa đi cạo lông, người chấp sự dâng một tuần nhang lễ tạ Tỉnh sanh. Ba lá vàng được đốt lên báo hiệu lễ Tỉnh sanh đã hoàn tất. Sau đó, chuyển qua lễ Tế Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi tại Miếu thờ Bà bên hữu đình làng…
Trong các sắc thần do các triều vua nhà Nguyễn phong tặng thường chép là Thiên-Y-A-Na Diễn Ngọ Phi. Ngoài đời, thường gọi là Thiên Y A Na. Nhà Nguyễn trung hưng ngay buổi đầu đã phong tặng: Hồng nhân phổ tế Linh ứng Thượng đẳng Thần. Các vua đời sau đời nào cũng có sắc phong tặng.
Lễ tế Bà Thiên Y A Na vào lúc 1 giờ sáng ngày 16 tháng 2 âm lịch.
Sau 3 hồi chín tiếng chinh, cổ lệnh, Ban tế tựu vị. Hai bên là 12 khóa sinh tay cầm cờ ngũ hành đứng hầu trước miếu. Trong nền nhạc bát âm, vị chánh tế thực hiện nghi thức hành sơ hiến lễ, tấn tửu, và đọc chúc văn. Bài văn tế có đoạn viết:
“Nay đến kỳ xuân tế
Chúng con cung trần lễ mọn, với tấm lòng thành
Kính dâng lên Bà là đấng u vi danh ngời ba cõi
Cầu mong Bà mở đức thần minh:
Cho con dân khỏi vướng đau thương, không điều thù oán.
Thành tâm cẩn trọng cúi mong Bà ban phước cho dân làng an ổn.
Kính dâng lên đức Bà là đấng “phí văn, phí kiến “
Sắc màu, lễ vật báo đáp thâm ân!
Ngưỡng mong:
Đức Bà gia ơn ban phước!
Một lòng phủ phục, tưởng niệm kính dâng!
Lễ Tế chánh diễn ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 16 tháng 2 âm lịch. Lúc này, cả bốn sắc phong thần đều được thỉnh nhập điện thờ. Hai hàng lễ sinh tay cầm cờ ngũ sắc đứng hầu nơi sân điện. Dân chúng trong làng đứng chật cả sân đình, tất cả đều giữ thái độ trang nghiêm. Đây là thời khắc giao cảm giữa thần linh và con người; giữa thế giới siêu nhiên và con người trần thế mà cầu nối của sự giao cảm ấy chính là các nghi thức tế lễ và Ban tế lễ.
Ba hồi chín tiếng chiêng, trống vang rền nội điện giữa canh khuya, khiến không khí càng thêm huyền ảo. Trong nền nhạc lễ, chánh tế, bồi tế tựu vị. Bốn lễ sinh hai tay nâng ngọn hoa đăng từng bước nhập điện thờ thần làm lễ thượng hương, tấn tửu. Nghi lễ này được gọi là Đi Điện (đây là nét khác biệt giữa lễ Kỳ an – Xuân tế cúng đình và lễ Cầu ngư của cư dân vùng biển ở Khánh Hòa).
Sau phần thượng hương, nghênh thần, cúc cung bái lạy là đến đọc chúc văn. Bài xướng tế có đoạn:
“… Tiết xuân đã đến, chúng con sửa soạn các vật phẩm lễ nghi để dâng lên Tôn thần là các đấng mênh mông cao cả, cơ giảm khôn lượng. Cầu mong được “Trạc trạc quyết linh” mà đồng lòng bảo hộ cho phúc khí của nước nhà được diên trường, cơ đồ ngày càng vững chắc.
Mong sao:
Thế trời Nam ngày càng thêm mạnh, hầu quét sạch giặc xâm lăng. Cầu cho: “Đời đời mưa thuận gió hòa, kiếp kiếp dân an vậtphụ”
Người làm quan Long trì dạo cước, lộc hàm thăng đến Tam Thai.
Kẻ sỹ rồng mây gặp hội, nhạn tháp danh thơm truyền tụng đến muôn đời…
Nhà nông lúa thóc bời bời, không gặp cảnh lo sâu sợ chuột.
Người công nhân vì đời trau chuốc, sản phẩm tuyệt vời như khắc ngọc điêu hoa.
Là chiến binh phải xuất chúng anh hùng, ca khúc khải hoàn để vinh thân, hiển tổ.
Kẻ buôn bán đắc tài đắc lợi, tài nguyên tích tụ, vạn sự hanh thông…
Mong đất nước thanh bình. Thôn xóm, trẻ già thảy đều an cư lạc nghiệp. Ngưởng mong: Linh thần ban cho an huệ !…”
Lễ Thứ diễn ra ngay sau lễ Chánh. Lễ Thứ là lễ hát cúng đình, dâng thần linh. Điểm giống nhau giữa cúng làng và cúng đình ở Khánh Hòa là sau phần lễ Chánh là đến hát thứ lễ. Vì hát là để dâng thần linh nên việc hát thứ lễ luôn được coi trọng. Nội dung bổn tuồng phải có hậu. Các yếu tố bi, hùng, hài đan xen trong vở diễn, tất cả tập trung cho chủ đề: Trung, hiếu, tiết,nghĩa… Bởi vậy, hát thứ lễ bắt buộc phải diễn “Tuồng ông”, tức là tuồng nới về nhân vật Quan Công trong “Tam Quốc chí”.
Tôn vương là phần hát quan trọng trong lễ cúng đình Kỳ an – Xuân tế Vì vậy, những người đang có tang chế không được dự lễ này.
Xét về nội dung và cấu trúc thì Tôn vương là một lớp diễn về hát múa dân gian. Lễ Tôn vương bao giờ cũng có múa tứ linh gồm: Lân, Cọp, Rồng, ông Địa. Điệu múa tứ linh vừa nhộn nhịp, tươi vui vừa thêm phần hài hước như muốn mang đến cho dân làng một năm mới an khang, thịnh vượng. Sau điện múa tứ linh là “múa Quỳnh tương” chúc rượu. Điệu múa là sự bày tỏ lòng thành kính của dân làng đối với các bậc tôn thần qua những động tác rót rượu, dâng rượu lên án thờ được đặt trước cửa đình.
Sau cùng là cảnh đăng quang, kế vị của vua trẻ rồi chuyển sang phần ca múa đón chào cuộc đời mới đang đến với những điều tốt đẹp:
“Những mong Hải yến, Hà thanh
Muôn dân an lạc, thái bình câu ca…”
Hồi sắc phong thần diễn ra lúc 6 giờ ngày 16 tháng 2 âm lịch. Nghi thức hành lễ của lễ hồi sắc không khác với nghi thức của lễ rước sắc. Vẫn là khởi chinh, cổ và khởi nhạc lễ Ban tế lễ thượng hương, nghênh sắc nhập long đình và sau đó khởi kiệu. Đoàn người hồi sắc từ trình làng về nhà thờ Tiền hiền, dẫn đầu vẫn là Đội múa lân, sau đó là Đội cờ ngũ sắc và thập bát ban binh khí hộ tống Long đình…
Sau khi các sắc phong đã yên vị trên án thờ, Ban tế lễ chuyển sang Lễ Tiền hiền vào lúc 7 giờ ngày 16 tháng 2 âm lịch. Các vị chủ tế, bồi tế, thầy lễ và lễ sinh tiến hành một khóa lễ. Sau đó, dàn nhạc bát âm ngừng tấu. âm thanh nhạc lễ lắng dần, sân đình bỗng vỡ òa trong sự náo nức, thôi thúc của tiếng trống hội làng…
Hội Làng – nét tiêu biểu của văn hóa tâm linh, không thể thiếu trong Lễ cúng đình Kỳ an – Xuân tế ở Ninh Hòa – Khánh Hòa. Các trò chơi dân gian như: Thi hát dân ca bài chòi, hát bội, thi đấu cờ tướng, kéo dây, đập ấm, chọi gà không chỉ là những trò vui chơi, giải trí mà thông qua lễ hội nhằm giáo dục các thế hệ, các dòng tộc quần cư trong thôn xóm thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tương thân, tương ái…
Nam, phụ, lão, ấu đến với Lễ cúng đình Kỳ an – Xuân tế đều mang trong lòng nguyện ý cầu mong mưa thuận, gió hòa, quốc gia thái bình, muôn dân an lạc… Đây thực sự là nhu cầu của con người, là niềm an ủi, sự nâng đỡ về tâm lý… không chỉ là nét đẹp về văn hóa tâm linh của người dân Khánh Hòa mà còn là nét nổi trội về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.