Hơn 100 năm nay, những chiếc bánh tráng đã nuôi sống hàng trăm hộ dân Xóm Rượu, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Bánh tráng ở Xóm Rượu được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị tinh khôi của gạo và cách thức chế biến kỳ công của người thợ.
|
Đến Xóm Rượu nhiều người thích thú như lạc vào “mê cung bánh tráng” với những chiếc vỉ tre phơi bánh tráng trải dài 2 bên đường. |
|
Theo các bậc lão làng kể lại, cái tên Xóm Rượu xuất phát từ xa xưa vì nơi đây chỉ chuyên nấu rượu. Sau đó những người dân di cư từ tỉnh Phú Yên vào thị xã Ninh Hòa lập nghiệp mang theo nghề làm bánh tráng cuốn chả. |
|
Bà Võ Thị Mẫn (56 tuổi, thị xã Ninh Hòa) có hơn 20 năm làm nghề cho biết, làm bánh tráng cuốn chả nhọc công hơn các loại bánh tráng khác. Để cho ra đời những chiếc bánh ngon, khâu chọn gạo vô cùng quan trọng. Gạo được chọn cần giữ được chất cám để tạo nên mùi thơm cho bánh. Từng hạt gạo thơm ngon được ngâm, xay từ tối hôm trước để bánh có được độ dai như ý. |
|
Từ 3 – 4h sáng, các lò bánh trong xóm đều sáng đèn, bắt đầu các công đoạn như: nhóm lửa, pha bột, tráng bánh… để khi mặt trời vừa nhô lên cũng là lúc những vỉ bánh đầu tiên được mang ra phơi. |
|
Muốn những chiếc bánh đạt yêu cầu tròn, đẹp người thợ phải thật khéo léo và tập trung. Một lò bánh phải có ít nhất 2 người, phụ trách khâu tráng bánh và đặt bánh lên vỉ. Hầu hết những người thợ lành nghề đều nhận xét tráng bánh là công đoạn khó nhất vì nó đòi hỏi đôi tay linh hoạt và kỹ thuật cao. |
|
Không chỉ có vậy, ở công đoạn lấy bánh ra khỏi khuôn và đặt lên vỉ phơi, người thợ phải thao tác thật nhanh và điệu nghệ, vì nếu chậm trễ hoặc không cẩn thận, bánh dễ bị rơi khỏi ống khuôn hoặc xếp chồng lên nhau. |
|
Gắn bó với nghề bánh tráng hàng chục năm qua, bà Nguyễn Thị Oanh (64 tuổi, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ, công đoạn phơi bánh cũng không hề đơn giản. Trước khi phơi bánh, người thợ phải quét lên vỉ một lớp dầu phụng, trong lúc phơi phải chịu khó theo dõi, xoay trở bánh thường xuyên, canh bánh vừa khô là đem vào bóng mát, nếu không, bánh sẽ bị cong vênh, nứt mặt. Vào những ngày trời mưa không thể đem bánh ra phơi, phải sấy bánh trên lò than. |
|
Ngày nay, nhiều lò bánh tráng máy móc hiện đại mọc lên nhưng đa số các hộ dân làm bánh tráng ở Xóm Rượu vẫn giữ cách làm thủ công với các vật dụng dân dã như bếp trấu, khuôn tráng bánh đơn giản, nắp đậy, bàn xoay bằng tre nhằm giữ hương vị đặc trưng cho bánh. |
|
“Số lượng bánh là mỗi ngày có thể lên đến khoảng 2000 cái, đa số là phân phối cho các tỉnh Tây Nguyên và Hà Nội. Bánh tráng có giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng/30 cái, có thể dùng để cuốn chả ram, cuốn nem,… rất được ưu chuộng bởi cách làm thủ công, vị ngon, mang đậm chất quê hương”, chị Lê Ngọc Khiết (ở thị xã Ninh Hòa) cho biết thêm. |
|
Không ai còn nhớ chính xác làng nghề bánh tráng Xóm Rượu ra đời khi nào nhưng hơn một trăm năm qua, nhiều thế hệ người dân nơi đây đã lớn lên cùng nghề. Nghề cha truyền con nối này vẫn “đỏ lửa” hằng ngày nuôi sống bao gia đình. Dù nhiều vất vả, nhọc nhằn, thu nhập lại không cao nhưng những người dân nơi đây vẫn tự hào và nỗ lực giữ lửa cho làng nghề. |
|
Quá trình làm ra sản phẩm bánh tráng ở Xóm Rượu, thị xã Ninh Hòa. Clip: Khánh Nguyên. |
Khánh Nguyên