Đình Thạnh Danh được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII, lúc đầu bằng tranh tre, nứa lá. Trải qua thời gian và chiến tranh, đình nhiều lần bị xuống cấp và được nhân dân trùng tu vào các năm: năm 1847 trùng tu xây dựng lại hoàn toàn, gồm các hạng mục như đình (xây tường gạch, mái lợp ngói âm dương), nhà Đông, nhà Tây, nghi môn và tường bao; năm 1969 đại trùng tu; năm 1989 đình trùng tu nhỏ và xây thêm tường bao quanh sân đình bằng đá San Hô.
Đến di tích bằng giao thông đường bộ. Từ thành phố Nha Trang ra Bắc theo quốc lộ 1A, đi khoảng 42km qua thị trấn Ninh Hòa (huyện Ninh Hòa) rẽ phải theo đường liên xã Thị trấn – Ninh Diêm – Ninh Hải, đi khoảng 10km tới trụ sở UBND xã Ninh Diêm rẽ trái đi khoảng 1km rồi rẽ phải theo đường xuống khu du lịch Dốc Lết, đi khoảng 300m tới di tích ngay gần bên phải đường.
Đình là nơi thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng…). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình là nơi hoạt động của nhóm du kích ở địa phương do đồng chí Trần Máy chỉ huy cùng với các đông chí Nguyễn Nơi, Ba Tôn, Lê Đấu, Lê Làm, Nguyễn Phụ… đã hội họp, bàn bạc tuyên truyền hoạt động cách mạng. Năm 1945, nhóm du kích đã bắt và trừng trị tên Khóa việt gian trong làng.
Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: nghi môn, sân đình, đình, miếu thờ Tiền hiền, Hội trường.
Nghi môn: xây dựng trước sân đình, các trụ cổng xây hình vuông, trên đầu cổng đổ mái bê tông giả ngói âm dương, trên bờ nóc mái cửa giữa gắn hình lưỡng Long tranh châu (Rồng cách điệu hình cây hoa Cúc hóa Rồng cưới ngọc), mặt ngoài ghi Đình Thạnh Danh bằng chữ Hán, mặt trong ghi Đình Thạnh Danh cách điệu bằng chữ quốc ngữ hình tròn. Từ nghi môn xây tường bao bằng đá San Hô cao 1,20m, dày 0,40m cắt vuông góc với sân.
Sân đình: lát gạch, trước sân là cột cờ xây kiểu tam cấp thu nhỏ giật cấp hình tròn, trên bục gắn cột cờ bằng gỗ tròn cao 6m, đường kính 0,40m. Trước cột cờ là án phong. Hai đầu sân góc ngoài có hai ngôi miếu nhỏ (am), bên phải là miếu Thần Linh, bân trái là miếu Chủ Tướng.
Đình: đình xây bằng gạch, đá San Hô, vôi vữa, mái lợp ngói mới. Gồm 2 phần Tiền tế và Chính điện.
Tiền tế: xây phía trước Chính điện, có kết cấu tường hồi bít đốc, mặt trước có 3 cửa, mỗi cửa có 2 cánh kết cấu thượng song hạ bản, đầu hồi phía ngoài có cửa ngách nhỏ thông sang miếu thờ Tiền hiền và hội trường. Hai bên mặt ngoài phía trước vẽ hình Hộ Pháp bằng bột màu (bên trái là Khuyến Thiện, bên phải là Trừng Ác). Trên đầu cửa vẽ hình cuốn thư, đề chữ Đình Thạnh Danh, hai bên là tranh phong cảnh núi non, sông nước…Trong Tiền tế đặt 3 án thờ bằng gỗ, án thờ giữa đặt Long ngai bằng gỗ được trạm trổ hoa văn, linh vật và sơn son thiếp vàng, là nơi cất giữ sắc phong và dùng để rước sắc khi có lễ hội. Trước án thờ bên phải đặt giá trống, bên trái đặt giá chiêng.
Tiền tế là nơi chuẩn bị, sửa soạn lễ vật trước khi vào hành lễ trong chính điện.
Chính điện: xây liền ngay phía sau Tiền tế, mặt trước để thông với Tiền tế, đầu mái của Chính điện và Tiền tế được gắn hệ thống máng chảy. Nhà có kết cấu mái chái, nhưng tường sau và tường hồi vẫn xây bít lên tận đầu mái (giọt danh). Giữa nhà đặt 3 án thờ xây bằng gạch. Phía trong sát tường đặt 3 bàn thờ, ở giữa là bàn thờ Thần Hoàng, bên trái là bàn thờ Tả ban, bên phải là bàn thờ Hữu ban, trước bàn thờ Thần đặt bộ Bát bửu bằng gỗ, trên các bàn thờ đặt các đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương, đĩa bồng…Trên các cột, tường hai bên bàn thờ có các cặp câu đối nói về sự ơn đức, lòng kính trọng đối với Thần, nói về cảnh bình yên của quê hương…
Miếu thờ Tiền hiền: xây dọc kéo dài ngay bên hồi của Tiền tế và Chính điện, mặt trước có 1 cửa, cửa có 2 cánh kết cấu ván bưng, hai bên cửa có cửa sổ nhỏ. Nhà được xây ngăn cách ra làm hai phần, có cửa ngách thông ra phần sau, phần phía trước làm miếu thờ Tiên hiền, Hậu hiền, ở giữa sát tường đặt bàn thờ xây bằng gạch, phần phía sau dùng làm nhà kho.
Hội trường: xây dọc kéo dài bên trái Tiền tế và Chính điện, mặt trước có 1 cửa, cửa có 2 cánh kết cấu ván bưng; là nơi hội họp, ăn uống khi có lễ hội.
Trước kia đình tổ chức năm 2 lần “Xuân kỳ Thu tế”, tế miếu vào ngày 16/02 âm lịch, cúng Thần Hoàng ngày 16/7 âm lịch. Nhưng hiện nay, nhân dân thống nhất lấy ngày 12/7 âm lịch hàng năm làm ngày lễ hội của đình, cứ 3 năm thì hát bội 1 lần (tam niên đáo lệ).
Với các giá trị về lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật…, Năm 2005 đình Thạnh Danh được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Hoàng Quý / Nguồn