Sau gần 3 năm khôi phục, hoạt động nghệ thuật bài chòi dân gian truyền thống trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã mang đến những trái ngọt. Trong đó, hoạt động trao truyền các làn điệu bài chòi cho thế hệ trẻ đã tạo được niềm tin về sức sống của loại hình nghệ thuật này trong tương lai.
Trong chương trình hội thảo về nghệ thuật bài chòi do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức mới đây, mọi người rất yêu thích tiết mục hát bài chòi “Khánh Hòa quê tôi” do 2 em Lê Huyền Trân (10 tuổi) và Nguyễn Tấn Khang (11 tuổi) đến từ Câu lạc bộ (CLB) bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa biểu diễn. Dẫu tiếng ca, kỹ thuật xử lý nhịp điệu vẫn chưa thật tròn trĩnh, nhưng nhìn phong thái tự tin, cùng niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống của 2 em đã tạo được ấn tượng đối với người nghe. Với một tiết mục được soạn lời mới dựa trên làn điệu Xuân Nữ của nghệ thuật bài chòi là một thử thách đối với cả người lớn, nhưng đã được Huyền Trân và Tấn Khang phối hợp khá nhịp nhàng. “Em rất thích nghe hát và xem biểu diễn bài chòi. Vì thế, em đã xin tham gia CLB để được các cô chú chỉ dạy cách hát bài chòi từ hơn 1 năm nay. Hiện tại, em có thể hát được một số làn điệu, bài bản phổ biến của nghệ thuật bài chòi. Em sẽ cố gắng nhiều hơn để hát hay, hô giỏi các quân bài”, Tấn Khang chia sẻ.
Được thành lập từ năm 2020 với 21 thành viên, đến nay, CLB bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa đã thực hiện được 254 buổi diễn tại 22/27 xã, phường, thu hút sự quan tâm theo dõi của khoảng 35.000 lượt người dân, du khách. Để phổ biến loại hình nghệ thuật bài chòi dân gian đến thế hệ trẻ, các thành viên trong CLB còn đi biểu diễn, giao lưu tại các trường học trên địa bàn thị xã, thu hút 7.000 học sinh, trong đó có nhiều em đã thể hiện rõ niềm yêu thích và được các thành viên trong CLB phát hiện, gặp gỡ, truyền dạy các làn điệu bài chòi. Tiêu biểu là trường hợp của 2 em Huyền Trân, Tấn Khang đã có thể trình diễn các làn điệu, tích trò bài chòi và được kết nạp vào CLB.
Hiện tại, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa đang phối hợp với Nhà Thiếu nhi thị xã tổ chức lớp truyền dạy bộ môn nghệ thuật bài chòi cho 16 em từ 8 đến 15 tuổi. Sau khi hoàn thành lớp học, các em sẽ được tham gia sinh hoạt với các thành viên CLB bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa để học hỏi, tập luyện, tham gia biểu diễn. “Cùng với việc duy trì hoạt động của CLB, chúng tôi cũng chú trọng đến vấn đề trao truyền nghệ thuật bài chòi cho thế hệ trẻ. Mỗi lần tiếp nhận thêm những cháu mới tham gia CLB, chúng tôi đều phân công cụ thể từng người hướng dẫn, chỉ dạy, kèm cặp cho các cháu. Chúng tôi hy vọng, ngày càng có nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh yêu thích và tập luyện nghệ thuật bài chòi, để loại hình di sản văn hóa phi vật thể này mãi được lưu truyền”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Uyên – CLB bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, qua gần 3 năm thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, trên địa bàn thị xã đã gặt hái được những kết quả khả quan. Trong đó, ngày càng có nhiều trường học mời CLB bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa về biểu diễn; nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm đến với nghệ thuật bài chòi. Để nghệ thuật bài chòi được lan tỏa mạnh mẽ, bền chặt trong đời sống nhân dân, thị xã sẽ tiếp tục hỗ trợ CLB trong biểu diễn cũng như thực hiện việc truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, thị xã cũng sẽ quan tâm đến việc thành lập CLB bài chòi thiếu nhi thị xã Ninh Hòa. Đây sẽ là nơi để các em có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, phát huy niềm yêu thích, khả năng của bản thân đối với nghệ thuật bài chòi.
GIANG ĐÌNH