Tự Phổ Minh Hương quay hướng Đông Nam, tọa lạc tại trung tâm Tổ dân phố 7, thị trấn Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời kể của các hào lão người người Việt gốc Hoa thì: Tự phổ Minh Hương được xây dựng vào năm Nhâm Tuất (1862) thời vua Tự Đức (1848 – 1883), do những người Việt gốc Hoa vùng Quảng Đông (Trung Quốc) sang Việt Nam làm ăn và sinh sống tại Ninh Hoà dựng lên, nhưng lại không nhớ rõ năm nào xây dựng xong và do ai là người đứng ra xây dựng.
Tự Phổ Minh Hương thờ Quan Thánh Đế Quân, Tiền hiền, Thiên Y A Na, Thổ địa, Âm hồn và những bài vị ký linh.
Quan Thánh Đế Quân tên thật là Quan Vũ (cũng được gọi là Quan Công, tự là Vân Trường, Trường Sinh) là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục, với Lưu Bị là vị hoàng đế đầu tiên. Ông cũng là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục, bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu); Quan Bình – Châu Xương (Quan Bình là người Hà Bắc, là vị tướng của Thục Hán sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Bình là con trưởng của Quan Vũ nhưng ông chỉ là con nuôi của Quan Vũ; Châu Xương là sơn tặc được Quan Công thu phục và nhận làm đồ đệ).
Hiện nay, tự phổ Minh Hương còn bảo lưu được các Hoành phi, câu đối, lư hương và 02 đạo sắc phong của các vua Duy Tân và Khải Định triều Nguyễn ban tặng cho Quan Thánh Đế Quân. Các sắc phong cho phép nhân dân tiếp tục thờ cúng các vị thần tại tự phổ, 02 sắc phong là:
1. Ngày 08 tháng 7 triều vua Duy Tân năm thứ 05 (1911):
Ban tặng cho Quan Thánh Đế Quân.
2. Ngày 25 tháng 7 triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924):
Ban tặng cho Quan Thánh Đế Quân.
Căn cứ vào 2 đạo sắc phong ban tặng cho Quan Thánh Đế Quân vào năm 1911 và năm 1924 thì Tự Phổ thuộc Minh Hương xã, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa.
Cũng theo lời kể của các cụ thì Tự Phổ Minh Hương vừa là trụ sở vừa là nơi thờ cúng vị thần của người Việt gốc Hoa mà họ cho là “trung can, nghĩa khí” đó là Quan Thánh Đế Quân (Tất cả mọi người trên thế giới đều lập đền, miếu, hội quán … để thờ Ngài và treo tranh thờ ông trong gia đình, Ngài được thần tượng hóa là Thánh bởi trong con người hội tụ đủ 5 yếu tố: Trung, nghĩa, lý, trí, tín. Đồng thời Ngài còn dung hòa được giữa 3 tố chất: cái Tài, cái Tâm và cái Đức. Chính vì lẽ đó nên Ngài được tôn sùng là Quan Thánh. Trong các bức tranh thờ Quan Vũ theo tín ngưỡng của người Trung Hoa thì Quan Bình đứng hầu bên phải và Chu Thương đứng hầu bên trái). Tự Phổ Minh Hương đã để lại trong lòng người dân nơi đây một sự ngưỡng mộ đối với các bậc tướng đã có công giúp họ trong việc khai khẩn đất hoang, quy dân, lập ấp tạo dựng xóm làng. Hơn thế nữa, đó là sự đoàn kết của cộng đồng người Hoa trên đất Việt với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được thể hiện qua việc thờ cúng của họ.
Từ ngoài vào trong, Tự phổ Minh Hương có bố cục tổng thể mặt bằng như sau: Nghi môn, Án phong, Hồ nước, Chính điện, nhà Đông, nhà Tây. Điểm nổi bật của di tích là Tự phổ Minh Hương trang trí rất đẹp, trên các đầu dư, cột, vì kèo được chạm khắc hoa văn tinh xảo, trang trí trước mái hình linh vật và các ông tiên, hồ lô, hoa lá, … 2 cột cái trang trí hình Rồng sơn son thiếp vàng rất đẹp. Đặc biệt Án phong xây theo kiểu Ngọ môn. Kiến trúc gỗ ở mặt trước gian Chính điện theo lối Y môn. Từ lối vẽ đến màu sơn đều hài hòa, khéo léo thể hiện bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ thủ công thời ấy.
Từ khi khởi dựng đến nay Tự phổ Minh Hương đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1892, 1904, 1928, 1952, 1964, 1988, 2004 là những năm phần lớn là sửa chữa Chính điện, nhà Tây và nhà Đông. Riêng năm 1892 và 2008 là năm đại trùng tu lại Chính điện và nhà Tây. Tuy đã qua nhiều lần trùng tu nhưng Tự phổ Minh Hương vẫn giữ lại kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền tương đối nguyên vẹn.
Hằng năm, cứ vào ngày 13/01 (Âm lịch) và ngày 24/6 (Âm lịch), Ban quản lý cùng bà con trong thôn tổ chức lễ hội di tích. Ngoài ra vào tiết thanh minh chọn ngày tốt để tổ chức lễ hội. Trước kia, vào dịp lễ hội Xuân kỳ mỗi năm tổ chức hát bội một lần, hát thường diễn ra trong 3 ngày, tuồng được chọn hát là “cổ trang Trung Hoa tam quốc diễn nghĩa”. Các năm tổ chức hát bội là: 1958, 1962, 1963, những năm sau này do chiến tranh và kinh phí hạn hẹp nên không tổ chức hát bội nữa.
Ngày nay, lễ hội truyền thống của tự phổ vẫn tổ chức theo nghi lễ truyền thống như xưa nhưng không có hát Bội vì kinh phí còn hạn chế, lễ hội là dịp để bà con gặp gỡ chuyện trò hiểu biết nhau hơn thông qua đó gắn chặt thêm tình làng nghĩa xóm ‘tối lửa tắt đèn” có nhau và hơn hết là giáo dục con cháu biết kính trên nhường dưới, nhớ ơn những người đã có công với nước với dân thông qua đạo lý “ăn quả nhớ người trông cây” .
Ngày 10/10/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 2503/QĐ-UBND xếp hạng Tự phổ Minh Hương là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.