Quan Trấn Thủ Bình Khang (Khánh Hòa xưa) đóng dinh tại Bình Khang (Ninh Hòa) bên bờ Bắc sông Dinh thuộc thôn Vĩnh Phú, huyện Ninh Hòa ngày nay.
Theo Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Nguyễn Hữu Kính lúc trẻ theo cha đi đánh giặc, có công được phong Cai Cơ.
Năm 1692, Vua Chiêm là Kế Bà Tranh cho quân cướp phá phủ Diên Ninh, Chúa Nguyễn phái Nguyễn Hữu Kính làm thống binh cùng tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân đánh bắt được vua Chiêm đem về an trí tại Thuận Hóa, đổi tên đất CT còn lại thành trấn Thuận Thành, mấy tháng sau đổi thành phủ Bình Thuận.
Sách “Sài Gòn 300 năm cũ ” ghi: “Vì có công bình định, Nguyễn Hữu Kính được thăng Chưởng Cơ, trấn thủ Bình Khang, sau này là quận Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa“.
Năm 1698, Chúa Nguyễn sai thống suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Kính sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, mỗi dinh đặt chức Lưu Thủ, Cai Bộ và Ký Lục để quản trị, Nha thuộc có Ty Xá Lại, quân binh có đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.
Năm 1699, Vua Chân Lạp là Nặc Thu xua quân đánh phá đồn lũy thiêu hủy nhà cửa dân Việt vừa định cư tại Sài Côn -Gia Định -Đồng Nai, Chúa Nguyễn Phúc Chu “phong Nguyễn Hữu Kính làm thống binh cùng với 2 phó tướng Phạm Cẩm Long và Nguyễn Hữu Khánh đem quân thủy bộ từ Dinh Bình Khang vào Nam hợp lực với Trần Thượng Xuyên lo việc bình định Chân Lạp.“ Năm 1700 bằng 2 đường thủy bộ, Nguyễn Hữu Kính cho tấn công thành Bích Đôi (Nam Vang ngày nay) Nặc Yêm đầu hàng, với lòng nhân ái ngài vỗ về an dân, phủ dụ triều thần Chân Lạp, Vua Nặc Thu trở về xin thần phục.
Công việc hoàn tất ngài cho lui quân về bãi Sao Mộc báo tin thắng trận, vài hôm sau nhuốm bệnh, nhưng gặp ngày Tết Đoan Ngọ ngài gắng gượng làm tiệc khao quân cùng tướng sĩ. Đang tiệc thình lình bị thổ huyết, ngài vội vàng lấy tay áo che không cho mọi người biết để yên lòng ba quân. Hôm sau bệnh trở nặng, ngài than rằng:
“Ta muốn nối chí ông cha, hết lòng hết sức báo đền ơn nước, ngặt vì số trời có hạn, sức người không thể cưỡng lại.“
Ngài cho lệnh lui quân về đến Rạch Gầm thì mất ngày 9/1 năm Canh Thìn (1700) thọ 51 tuổi. Tiếc thương một võ tướng tài ba đức độ, Chúa Nguyễn Phúc Chu truy tặng ngài: Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng Doanh, thụy Trung Cần.
Người Chân Lạp cũng lập đền thờ Ngài tại Nam Vang.
Thời Gia Long ngài được phong: Thượng Đẳng Công Thần, thờ tại miếu Khai Quốc Công Thần.
Thời Minh Mạng ngài được truy tặng: Khai Quốc Công Thần Tráng Võ Tướng Quân, Thần Cơ Doanh Đô Thống, thụy là Tráng Hoàn, tước Vĩnh An Hầu, thờ tại Thái Miếu.
Bản sắc phong của Vua Minh mạng viết trên gấm lụa dệt rồng màu vàng hiện còn tại đền thờ Lễ Công Từ Đường, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ghi bằng chữ Hán được dịch như sau:
“Sắc phong huân công Lễ Thành Hầu giữ nước che dân rạng công đức dường ấy đáng khen cho liệt vào Miếu vũ. Vâng theo Thế Tổ Cao Hoàng Đế thống nhất đất đai mừng được một vị Thần Nhân rạng sắc vẻ vang. Lệnh ban gia phong việc mở mang bờ cõi, uy ngàn dặm sáng tỏ bậc Thần Thượng Đẳng. Nhân cho phép liệt vào hàng tế tự tại thành Gia Định, Miếu Hội Đồng, Thần sẽ phù trợ lê dân của ta.”
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Cảnh, còn có tộc danh là Lễ, sinh năm 1650 tại tỉnh Quảng Bình, cháu nội của Nguyễn Triều Văn, con của Nguyễn Hữu Dật đều được phong tước Hầu, ngài còn 3 người anh em ruột khác cũng được phong Hầu. Ngài là di duệ 9 đời của vị Khai quốc Công thần Nguyễn Trãi, và là cháu bàng hệ 5 đời của Tổ Nguyễn Kim.
Công trình và sự nghiệp văn võ của Nguyễn Hữu Kính như đã trình bày thật là lớn lao, như một câu đối còn ghi tại đền thờ Bình Kính, Biên Hòa:
“Công cao vạn đại lê dân hàm cảnh thính nam châu
Đức trọng thiên thu hộ quốc an khang khai biên thổ”
(Công cao muôn thuở toàn dân vọng tưởng đất phía Nam
Đức trọng nghìn thu cả nước vui mừng vùng biên thổ ).