Lăng Bà Vú (còn gọi là Lăng Nhũ Mẫu) tọa lạc tại phường Ninh Hiệp thị xã Ninh Hòa. Từ Nha Trang đi theo đường Quốc lộ 1A khoảng 30km, đến Ngã Ba Trong (Ninh Hòa) rẽ tay trái đi theo đường Trần Quý Cáp, rẽ phải vào đường Nguyễn Trường Tộ, đi thêm khoảng 500m nữa tiếp tục rẽ tay phải là tới Lăng Bà Vú.
Lăng Bà Vú nằm trên khoảng đất rộng chừng 1.360 m2 (riêng phần Lăng chính có kích thước 20,54m x 13,46m). Phía trước Lăng có một khoảng đất trống trồng hoa để tạo cảnh quan môi trường; xa nhất về phía trước là một ao nước hình chữ nhật (kích thước 15m x 19m) tạo nên yếu tố “minh đường tụ thủy”. Phía sau Lăng nguyên có một hòn giả sơn đắp bằng đất (là yếu tố “hậu chẩm” trong thuật phong thủy) nhưng nay đã không còn. Toàn bộ khu Lăng quay về phía Đông, hơi lệch sang hướng Bắc (chừng 150).
Từ năm 1775 trở đi, Khánh Hòa là vùng đất thường xuyên có sự tranh chấp giữa quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn. Nhìn chung trong khoảng từ năm 1775 – 1793 về cơ bản nơi đây do quân Tây Sơn quản lý mặc dù quân Nguyễn đã nhiều lần tấn công nơi đây. Theo “Đại Nam thực lục” (bộ sử nhà Nguyễn), Nguyễn Ánh đã 5 lần mang quân ra đánh chiếm lại Phủ Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay). Và trong tất cả những lần đó, Nguyễn Ánh đều bị quân Tây Sơn đóng ở đây đánh cho tan tác, bị đuổi chạy khắp nơi, điển hình như trận thủy chiến ở khu vực Hòn Thị (1784). Một ngày kia, khi Nguyễn Ánh và thủ hạ chạy đến làng Mỹ Hiệp thì trời đã tối, lương thực đã hết từ lâu, mọi người vừa đói vừa kiệt sức. Lúc đó, Nguyễn Ánh lại đang thụ bệnh, tình cảnh rất nguy khốn. Bấy giờ có một bà phú hộ (theo tương truyền là bà Trương Thị Tiềm) động lòng trắc ẩn đã mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Một mặt bà bảo người nhà giết heo làm thịt, nấu cơm đãi tất cả mọi người một bữa no nê và cung cấp thêm lương thực khô để rạng sáng ngày hôm sau lên đường. Mặt khác, đối với Nguyễn Ánh bà săn sóc thuốc men chu đáo, cho người vắt sữa bò cho Nguyễn Ánh uống và mang theo. Nhờ sự săn sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Nguyễn Ánh được lành bệnh và quân sĩ lấy lại sức khỏe để tiếp tục lên đường.
Sau nhiều năm bôn ba chinh chiến lại được sự giúp đỡ của tư bản phương Tây về khí giới, tàu thuyền và binh lính (nhất là sau khi vua Quang Trung mất năm 1792), Nguyễn Ánh đã thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Để thưởng công cho những người đã có công lao giúp đỡ mình nhữn lúc khó khăn trước đây, cảm ơn sâu của bà, Nguyễn Ánh đã xuống chiếu mời bà ra Thuận Hóa để nhà vua trả ơn. Tuy nhiên, khi sứ giả tới nơi thì người phụ nữ này đã mất. Vua Gia Long thương tiếc vô cùng và truy phong cho bà danh hiệu “Nhũ Mẫu”(người Vú nuôi). Tiếp theo đó, vua truyền cho bộ Công cử một số thợ giỏi bấy giờ đang xây dựng cung điện nhà vua vào tận nơi phối hợp với thợ địa phương để xây Lăng mộ nhằm ghi nhớ công ơn của Bà. Lăng được xây dựng trong vòng 2 năm (từ 1802 đến 1804) mới hoàn thành. Buổi lễ khánh thành được tổ chức cúng rất lớn và do quan đầu tỉnh trực tiếp làm chủ tế lễ. Do Bà không còn gia đình, con cháu tế tự nên nhà vua đã cấp một số ruộng cho dân trong vùng cày cấy không phải nộp thuế để lo nhang khói vào ngày mất của Bà (tương truyền là vào ngày 16 tháng Chạp). Hàng năm cứ đến ngày giỗ của Bà, chức sắc và dân làng tập trung làm lễ giỗ rất trọng thể, đủ lễ nhạc uy nghi như các nơi Lăng tẩm ở triều đình. Từ đó, việc nhang khói, cúng tế ở Lăng Bà Vú vẫn do quan Tuần vũ Khánh Hòa đến làm chủ lễ theo lệ Xuân Thu nhị kỳ và được duy trì cho đến khi chế độ phong kiến sụp đổ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Phần lăng chính gồm 03 lớp tường thành:
– La Thành (lớp tường thành thứ nhất): là lớp tường bao bọc bên ngoài, hình chữ nhật (19,65m x 13,46m), có cửa vào rộng 3,62m, chiều cao trung bình 2,0m. Trên đỉnh ở hai bên cổng đắp 2 con Lân nằm đắp bằng vữa, tô màu rất sống động và sắc sảo. Đỉnh thành có đắp mũ, trát gờ chỉ. Mặt ngoài trát vữa tô trau, mặt trong đắp cảnh tích. Tại 2 mặt bên của cổng La Thành (dưới con Lân) đắp nổi hai chữ “Phúc”.
– Bửu Thành (lớp tường thành thứ hai): là vòng thành thứ hai, hình chữ nhật có kích thước 9,43m x 12,3m, cao trung bình 1,385m, cửa mở về phía Đông (giống La Thành), rộng 2,97m.
Đỉnh tường cũng đắp mũ tròn, gờ chỉ. Trên cổng ở hai bên cũng đắp 2 con Lân trong tư thế đặt một chân lên quả cầu. Toàn bộ mặt Bửu Thành trong cũng như ngoài được chia ô hộc đắp hoa văn cảnh tích bằng vữa tô màu.
– Uynh Thành (lớp tường thành thứ ba): là vòng thành trong cùng bao bọc lấy phần mộ. Thành có hình trứng (hay hình thuyền), có độ cao thay đổi: đầu và đuôi cao, giữa thấp (kiểu yên ngựa). Thành được tạo dáng giống như 2 con Lân quấn đuôi vào với nhau, 2 đầu nằm trên cổng. Các chùm tóc (bờm) xoắn lông, chùm đuôi Lân đắp nối liền với đầu chùm lên mũ tường Uynh Thành; thân tường chia hộc đắp cảnh tích.
Từ ngoài vào trong, ngoài 3 vòng thành nói trên còn có các thành phần kiến trúc khác có chi tiết trang trí (đều đắp bằng vữa) như sau:
– Án phong:nằm ngay sau cửa La Thành, có kích thước mặt 0,52m x 2,87m. Mặt trước để trơn, có gờ bao; mặt sau có đắp hoa văn hình hoa lá, chữ Vạn hồi văn, chữ Vạn triệu và 2 bức liễn hai bên. Phía sau có bệ kích thước 0,62m x 2,21m, ở các mặt tường của bệ được chia thành các ô hộc có trang trí hoa văn hình hoa lá.
– Bệ bia:nằm giữa cửa Uynh Thành, cũng là kiến trúc đắp vữa có dạng khám thờ, đỉnh nhô ra phía trước. Bản thân bia bằng đá sa thạch đã bị mất hết văn tự. Bệ bia các mặt đều được đắp hoa văn, cảnh tích.
– Huyệt (mộ): phần mộ được xây bằng bê tông nằm ngay sau bệ bia, hình chữ nhật (kích thước 3,1m x 1,8m), xây thành 2 lớp giật nhẹ lên trên.
– Hương án:tạm gọi như vậy đối với kiến trúc đồ sộ phía sau huyệt, nằm ngay trên La Thành. Ngai đắp hình mây (hoặc núi), hai bên đắp 2 con Phượng đang trườn xuống; ở giữa đắp Cuốn thư có chữ (đã bị mất một số). Phía trên Cuốn thư có cảnh chim Sẻ và Trĩ; trên cùng chính giữa là “Song Phượng triều nghi”. Hai cánh Hương án (ngai) đắp cảnh tích. Mặt sau của Hương án cũng đắp cảnh tích trang trí.
Giữa các kiến trúc trên là lối đi vào các sân và nền thuộc La Thành, Bửu Thành và Uynh Thành. Độ cao các sân có chênh lệch nhau: sân Uynh Thành cao hơn sân Bửu Thành chừng 20cm, sân Bửu Thành cao hơn sân La Thành 10cm, sân La Thành cao hơn sân trước 20cm.
Chất liệu kiến tạo lăng:
Nguyên thủy, toàn bộ Lăng được tạo dựng bằng một loại “bê tông cổ”, được chế tạo bằng cách phối trộn cát thô (cỡ hạt tới 10mm), vôi hàu giã và theo lời thuật lại của dân địa phương thì còn có cả mật đường và lá Bồ đề giã nhỏ lấy nhớt. Không thấy rơm giã hay giấy giã. Có thể do quá lâu nên sợi giấy đã tiêu hủy, hoặc giả các vật liệu này thời đó ở địa phương là quý hiếm nên đã không được dùng phổ biến. Các thành hoặc khối xây được tạo hình từ loại “bê tông cổ” trên theo từng lớp; vữa trát ngoài hoặc các họa tiết trang trí làm bằng vữa cổ (cát, vôi, đường mật). Màu sắc các chi tiết được tạo ra bằng quét nước vôi và mực màu (chu, xanh xám, xám đen), chỉ ở một chi tiết đắp mới thấy lớp vôi than trau tạo màu và da.
Ngoài vữa cốt (“bê tông cổ” kể trên) và vữa áo, tại Lăng không có vật liệu gì khác (không kể bia mộ bằng cát kết và 2 bia chữ đắp muộn bằng vôi dày).
Hoa văn trang trí trên lăng:
Các họa tiết trang trí ô hộc và các văn tự phần lớn được gắn ghép trên các tường thành: La Thành, Bửu Thành, Uynh Thành… Hệ thống ô hộc dàn trải trong không gian của từng vòng thành bao bọc khu Lăng mộ. Đề tài thể hiện phỏng theo những cảnh tích cổ như:
* Nhị thập tứ hiếu:
– Lão Lai Tử: Bức tranh thể hiện một người già đang nhảy múa còn phía sau là 2 ông bà lão ngồi trên hiên cửa đang cười.
– Quách Cự: Bức tranh mô tả một người đàn ông đang đào lên hũ vàng, bên cạnh là một người đàn bà ôm đứa trẻ nhỏ và phía sau là một bà lão già chống gậy.
– Lục Tích: Bức tranh mô tả một đứa trẻ nhỏ đang nói chuyện với hai người mặc quan phục của triều đình.
– Giang Cách: Bức tranh mô tả một người đàn ông chống gậy vượt núi, trên lưng cõng một bà lão già; phía sau là một người mặc trang phục binh lính.
– Hoàng Hương: Bức tranh mô tả một người đang quỳ, hai tay cầm quạt quạt chiếc giường bỏ trống.
– Dương Hương: Bức tranh mô tả một người già đang trong tư thế ngã ra đất, phía trước là một người đàn ông đang dùng tay đánh nhau với một con Hổ.
– Tăng Tử: Bức tranh mô tả một bà lão già ở tư thế đứng, một người khác ở trong tư thế quỳ lạy, phía sau là một gánh củi.
– Mẫn Tử Khiên: Bức tranh mô tả một người trẻ tuổi đang kéo một chiếc xe, trên xe là một ông lão đang ngồi; đằng sau là một người phụ nữ trẻ ngồi trong nhà đang nhìn ra qua khung cửa sổ.
Ngoài ra, còn có các bức tranh khác như: Sơn thủy tùng định, Bát tiên, Tùng Lộc, Dương liễu, Song Phụng triều nghi, Cúc Trĩ, Liên Trĩ, Trúc Kê, Mai Hạc, Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh… Các cảnh tích này thể hiện lối sống thanh tao, trong sáng, minh bạch của người quân tử; đạo nghĩa làm người, sống trọn đời vì đạo vì đời…
Các ô hộc có kích thước lớn, ngăn chia giữa các ô hộc là các gờ chỉ, hoặc bằng các diềm tường được trang trí bằng những Hồi văn chữ Vạn hay những dãy hoa lá được cách điệu và khái quát rất cao. Đặc biệt khu vực Hương Án, các họa tiết trang trí được thể hiện khá chi tiết và tập trung ở khu vực này, nơi đây được xem như Ngai thờ, cũng là điểm chính của khu Lăng mộ. Ngoài các họa tiết hoa văn được trang trí còn có một bức văn bia, trên có văn tự ghi khá rõ:
Phiên âm:
Ngự chế
Khôn cung thuận [nguyên nhậm] mạt
Đắc chi hữu nghi dung
Thân cung ngôn hạnh thiêm lệ chi công
Nhiệm [mục] tộc dĩ nhân [tòng] giới y?
… … cung dã bồ sự tổ hiếu vưu [….] Cử [từ] tâm […]
Đề úng tiết năng […] lan phương đào ý
Tường sơ trăn lộng ngõa thế tảo bốc
Lai? Phạn vũ hồng tuấn?
Trì đa bồ/khổ niệm xả thí
Uyển tông?
Phần
Tạm dịch:
Ngự chế
Rằng:
Là người đàn bà trinh thuận….
Lại được (tấm lòng) khuôn phép bao dung.
Thân hình lời lẽ nết na, lại thêm chỉnh tề khéo léo.
Hết lòng đảm trách việc gia tộc, dùng đức nhân để răn bảo (mọi người)
…. Cung kính thờ Phật, hiếu với tổ tông, hơn nữa còn phát tâm (lành thiện)…..
Điềm tốt lành kịp đến, sinh con gái lấy chồng sớm.
(Bà) đến chùa mở mang, trì niệm nhiều, bố thí.
Uyển tông.
Phần mộ
Năm 2001, do di tích bị xuống cấp nặng nề nên đã được tiến hành tu bổ tất cả các hạng mục.
Lăng Bà Vú được xây dựng đầu triều Nguyễn, là một công trình kiến trúc lăng tẩm chứa đựng đầy đủ những yếu tố lịch sử – văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật… nhất là về mỹ thuật. Nghệ thuật trang trí ở Lăng Bà Vú đã đạt đến sự hoàn chỉnh, từ tổng thể đến từng chi tiết họa tiết trang trí. Những đường nét và mảng khối thể hiện có sự thống nhất, bố cục chặt chẽ trong một không gian hẹp, có mảng chính, mảng phụ tạo nên không gian tổng thể thanh thoát có điểm nghỉ mắt. Các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng hình thể, đường nét theo hướng nội trong từng chi tiết ô hộc cụ thể, cũng như việc sắp đặt những con Lân chầu ở La Thành, Bửu Thành hoặc lưỡng Long ở Uynh Thành… Điều đó tạo nên sự hài hòa cân đối trong bố cục, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ nhất định, đem lại cảm giác ấm cúng cho khu Lăng mộ. Có thể nói, nghệ thuật trang trí Lăng mộ ở Lăng Bà Vú biểu đạt được ý đồ cụ thể, rõ ràng bằng các đề tài, cảnh tích sinh động, chứa đựng ý nghĩa văn hóa và giá trị nhân văn rất lớn. Đồng thời, gợi nên phong cách, diện mạo của nghệ thuật trang trí rực rỡ ở Việt Nam thế kỷ XIX.
Đây là công trình lăng tẩm có giá trị nghệ thuật cao và quý hiếm vào đầu thế kỷ XIX hiện còn lại duy nhất và khá nguyên vẹn ở Khánh Hòa.
Xuất phát từ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Lăng Bà Vú, ngày 12/02/1999 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 05/1999-QĐ-BVHTT xếp hạng Lăng Bà Vú là Di tích lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.