Hòa Thượng có thế danh là Lâm Văn Tức, sinh năm 1890 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, cha là Lâm Hữu Ứng, mẹ là Nguyễn Thị Nương. Lên 7 ngài xuất gia thọ giáo Hòa Thượng Hoằng Thâm là cậu ruột trụ trì chùa Long Sơn, Phú Cang, Vạn Ninh, được Hòa Thượng nhận làm con nuôi đổi tên là Nguyễn Văn Khiết. Ngài là người con thứ chín trong gia đình, có 3 anh em đều xuất gia, người anh cả xuất gia tu hành pháp danh là Thị Thọ, hiệu Quảng An (tục danh Lâm Văn Quy) trụ trì chùa Pháp Hải, xã Ninh Thọ, Ninh Hòa viên tịch năm 1965 có tháp tại chùa. Người anh thứ Năm xuất gia tu hành tại Tu Bông. Bởi vì nhà có 3 anh em trai nên bị Pháp cưởng bách đi lính 1 người, năm 24 tuổi Hòa Thượng Quảng Đức phải lên đường nhập ngủ đóng tại Đà Lạt. Năm 1926 ngài bỏ ngủ vào tu tại miếu Cô Hồn, miếu này sau được dựng thành chùa Phổ Tế. Năm 1927, ngài về Vạn Ninh dự đám tang của Sư phụ viên tịch, nghe danh Hòa Thượng Phước Tường chùa Thiên Bửu Thượng, tại Ninh Hòa uyên thâm đạo pháp, ngài tìm đến cầu pháp được Tổ đặt tên là Nhơn Tri.
Tổ Phước Tường rất thương mến truyền cho ngài những vi diệu của Thiền như Chánh Pháp Nhản Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm… và ngài thọ Cụ Túc giới. Khi Đại đức Nhơn Gia-Trừng Vinh trụ trì chùa Thiên Ân thôn Phước Thuận, Ninh Hòa viên tịch, ngài được cử đến thay thế. Năm 1940, ngài khai sơn chùa Pháp Hải, thôn Lạc An.
Ngài có tướng mạo phương phi, có đôi mắt rất sáng, đi đứng nhanh nhẹn, được các sư phụ truyền võ nghệ thâm hậu và nghề mằn rất tài.
Từ năm 15 tuổi ngài thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ Tỳ Kheo, pháp danh Thị Thủy, tự Hành Pháp, hiệu Quảng Đức thuộc dòng kệ Chúc Thánh đời 42.
Thọ giới xong, ngài phát nguyện ngồi tu 3 năm trên 1 ngọn núi ở Ninh Hòa, sau lập trên núi đó một ngôi chùa tên là Thiên Lộc. Rồi đi vân du khất thực, 2 năm sau trở về Ninh Hòa nhập thất.
Năm 1932, hội An Nam Phật Học ra đời, Đại Lão Hòa Thượng Hải Đức đến chùa sắc tứ Thiên Ân nơi ngài đang nhập thất mời ngài chứng minh Đại sư cho Chi hội Ninh Hòa, 3 năm sau kiêm chức Kiểm Tăng Tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, ngài kiến tạo, trùng tu 14 ngôi chùa.
Năm 1943 vào Nam, hành đạo tại Sài Gòn, Gia Định, Hà Tiên, từng ở Nam Vang 3 năm vừa giáo hóa, vừa nghiên cứu Kinh Pa Li.
20 năm ở miền Nam ngài khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa, tổng cộng là 31 ngôi chùa cũng như đã hóa độ hàng ngàn đệ tử từ Trung đến Nam. Chùa cuối cùng ngài trụ trì là chùa Quan Âm, đường Nguyễn Huệ, Gia Định, và ngôi chùa ngài ở lâu nhất là chùa Long Vĩnh ở Vĩnh Long.
Ngài từng giữ chức vụ Phó Trị Sự và Trưởng Ban Nghi Lễ của Giáo Hội Tăng Già Miền Nam, trước đó ngài là Trụ Trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học miền Nam. Khi trụ sở dời về chùa Xá Lợi ngài xin nghỉ để tiếp tục gót vân du hành đạo ghi dấu khắp nơi dùng mọi phương tiện để hướng dẫn hậu sinh mê mờ quay về Chánh Đạo.
Năm 1954, ngài về Thiên Bửu Thượng dự lễ giổ Tổ Sư phụ Phước Tường, hương chức thôn Thạch Thành khẩn khoản ngài về trụ trì chùa Long Phước, Thạch Thành, ở đó chừng 6 tháng ngài mới giao cho Thầy Hạnh Định – Tâm Tại, rồi vào Sài Gòn.
Năm 1963, phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của Phật giáo ngày càng lên cao, ngày 11-6-1963 ngài tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt, Sài Gòn trước 800 chư vị Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni. Ngọn lửa bốc cao, ngài vẫn ngồi an nhiên chấp tay Thiền định, khi ngã xuống tay vẫn còn bắt ấn tam muội. Ngài để lại 1 Bức Tâm Thư ghi 5 điều tâm huyết gởi lên Tổng Thống có 1 đoạn như sau:
“Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.”
“Ngài còn để lại 5 bài thơ xin trích 2 đoạn:
– “Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn ngốc
Tro trắng phẳng san hố bất bình”
– “Thầy đã đến lúc biệt các con
Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn
Những gì đáng độ thầy đã độ
Thầy tranh Chánh Pháp lúc mất còn
Gia Định, Sài Gòn hỡi các con
Hà Tiên, Cai Lậy Thầy vẫn còn
Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu
Khánh Hòa đệ tử giữa án son.”