Đình Văn Định nằm ngay trên trục đường liên xã, gần phía Tây chân núi Ổ Gà. Có thể đến di tích thuận tiện bằng nhiều hướng và đi bằng nhiều loại phương tiện đường bộ. Nhưng thuận lợi nhất là từ thị trấn Ninh Hòa, theo đường Minh Mạng đi khoảng 2km tơi gặp đường 16/7 rẽ trái, đi khoảng gần 1km tới đường ray tàu lửa, rẽ phải theo đường liên xã đi khoảng gần 700m nữa tới đình Văn Định ngay bên phải đường.
Khi lập làng đầu tiên, những người dâ từ làng Văn Định (xã Ninh Phú) di cư lên xây làng bên kia (phía Tây của thôn Văn Định ngày nay) sông Lốt (sông Chò – trước đây ở khúc sông này có cây Chò rất lớn nên nhân dân gọi sông Lốt là sông Chò) và đặt tên làng là ấp Hà Mai, do điều kiện không thuận lợi, nước khô hạn làm ăn không được, nhân dân kéo nhau sang lập làng bên thung lũng Ổ Gà và lấy tên là Văn Định thượng (khác với Văn Định hạ ở xã Ninh Phú). Dân dần nhân dân quy tụ đông thành làng ấp. Để có nơi thờ tự phục vụ tín ngưỡng tâm linh, có nơi hội họp và bàn việc làng khi cần thiết, đến khoảng thế kỷ XIX hào là cùng nhân dân quyên góp tiền của xây dựng ngôi đình để thờ Thành Hoàng làng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, tạo dựng xóm làng), lúc đầu xây dựng đơn giản, đến khoảng năm 1897 có bão lớn làm đổ ngôi đình. Đến năm 1900 nhân dân và hào lão xây dựng lại, mái lợp ngói âm dương, tường đất; trải qua thời gian đình lại xuông cấp, nhân dân lại trùng tu vào các năm 1963 nâng nền cao lên cao khoảng 0,50m và năm 1994 trùng tu lại thay ngói âm dương bằng ngói mới (ngói Tây) vì ngói cũ bị hư hỏng nhiều, không có kinh phí mua ngói âm dương lợp lại. Năm 1971 xây dựng lại nhà Đông để nhân dân hội họp khi có lễ hội. Từ đó đến nay, nhân dân thường xuyên sơn sửa lại mỗi khi có lễ hội của đình, hoặc lễ tết cổ truyền. Ngôi đình hiện nay khang trang.
Nhân dân nơi đây phô tô các sắc phong thần ở làng Văn Định cũ lên đình Văn Định ngày nay để thờ cúng. 2 sắc phong thời vua Tự Đức (1 sắc phong thời vua tự Đức năm thứ 5, 1 sắc năm thứ 33); 1 sắc phong thời vua Đồng Khánh năm thứ 2; 1 sắc phong thời vua Duy Tân năm thứ 3 và 1 sắc thời vua Khải Định năm thứ 9.
Từ ngoài nhìn vào di tích cá các hạng mục công trình sau: cổng (nghi môn), án phong, sân, nhà Đông, Chính Điện.
1.CỔNG – NGHI MÔN:
Nghi môn được xây đồ sộ bằng bê tông, có các cột vuông, với 3 cửa ra vào, cửa lớn ở giữa (trên cổng bên ngoài ghi Đình Văn Định bằng chữ Hán Nôm) và cửa nhỏ hai bên, cửa bên phải ghi Lộc Tấn (tiến) Vinh Hoa, bên trái ghi Phước Sanh Phú Quý. Trên đầu Nghi môn đắp hình “Lưỡng Long chầu Nguyệt” (hai con rồng chầu mặt trăng). Trên đầu hai trụ cột chính đắp nổi hai con Nghê chầu vào trong, trên đầu 2 trụ cột ngoài đắp nổi 2 con Sư Tử chầu vào trong, trên hai bên Nghi môn còn đắp nổi hình hai cụm mây hóa rồng (Long Vân) sơn màu rất đẹp. Mặt ngoài có các cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm có nội dung giống như câu đối bằng chữ Quốc ngữ bên trong của Nghi môn.
Mặt trong cổng ở giữa ghi Đình Văn Định bằng chữ Quốc ngữ, cổng nhỏ bên phải ghi Lộc tấn Vinh Hoa, bên trái ghi Phước Sanh Phú Quý.
2.SÂN:
Sân đình rộng, được lát gạch, láng xi măng. Mặt trước sân là án phong xây bằng gạch, vôi, vữa xi măng, trên đầu hai trụ đắp hình búp hoa Sen. Mặt ngoài án phong đắp nổi hình Long Mã, mặt trong án phong vẽ hình cây Tùng, sông nước, núi non và hai con Hươu.
3.NHÀ ĐÔNG:
Được xây liền kề cạnh Chính điện. Nhà xây dọc theo hồi trái Chính điện.
Nền: thấp, lát gạch, láng xi măng.
Tường: xây bằng gạch, vôi, vữa.
Mái: chỉ có mái trước, mái sau, không có mái hồi – tạo thành nhà tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mới (ngói Tây).
Cửa ra vào: nằm bên hồi nhà, cánh cửa bằng gỗ (ván bưng).
Gian nhỏ phía trước không xây tường bít mà để trống làm nơi tiếp khách khi có lễ hội.
4.CHÍNH ĐIỆN:
Chính điện là một gian nhà khang trang và được xây dựng khá đặc biệt với hiên trước, hiên hồi và hiên sau (hiếm thấy có các công trình kiến trúc cổ phục vụ tôn giáo tín ngưỡng trên đất Khánh Hòa có kết cấu kiểu này).
Nền: xây cao, xây bằng đá, gạch, vôi, vữa, mặt nền láng xi măng.
Tường: xây bằng gạch,vôi, vữa.
Mái: được dựng kiểu cổ lầu (có mái trên và mái dưới), mái lợp ngói mới (ngói Tây), trên bờ nóc đắp nổi bằng bê tông hình “Lưỡng Long chầu Nguyệt” (hai con Rồng chầu mặt trăng) rất uy nghi, tại khúc nguỷnh (đầu nối cong ra của mái) trên là hình các con Nghê và đầu bờ dải mái trên là hình “Long vân” (mây hóa Rồng) cũng được đắp nổi rất đẹp; đầu các bờ dải của mái dưới là hình các con Hạc đứng trên lưng Rùa đắp nổi nhì sống động. Các phần vách ngăn cách giữa mái trên và mái dưới của cổ lầu được trang trí các hình ảnh thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, chim muông.
Đình có bộ khung đỡ bằng gỗ, cột tròn, vì nóc kiểu vì Kèo.
Hai cột giữa được sơn màu đỏ và vẽ hình con Rồng màu sắc sặc sỡ uốn quanh, đầu cột trạm trổ hình hoa Sen; hai cột trong cũng sơn màu đỏ, trên cột vẽ chim Hạc. Đầu dư của các xà ngang và xà dọc bên trên trạm hình đầu Rồng cách điệu. Mặt trước, mặt sau và hồi phải đình có hiên rộng, các cột hiên là cột gỗ tròn to (sơn màu đỏ), hồi trái là tường gắn liền với tường nhà Đông vì thế không có hiên hồi trái. Với kiến trúc taọ hiên xung quanh kiểu này tạo nên ngôi nhà bề thế, vững trãi, mát mẻ. Đình có 3 cửa, cửa có kết cấu “thượng song hạ bản” (trên là song gỗ sơn màu vàng, dưới là ván gỗ sơn màu xanh), cánh cửa dùng chốt chặn truyền thống, không dùng bản lề.
Bên trong đình được trang trí trang nghiêm, trê tường được vẽ các điển tích xưa như: Bồ Đề Đạt Ma đi hoằng đạo phật pháp, Quan Âm Bồ Tát phổ độ chúng sinh, Bát Tiên đánh cờ, cảnh Thủy chiến Bạch Đằng giang do Trần Hưng Đạo chỉ huy, bộ tranh khảm trai 4 bức “Phúc Lộc Thọ”. Hai bên đầu hồi là Hộ Pháp vẽ sơn màu. Giữa chính điện đặt 01 án thờ bằng gỗ, mặt trước trạm hình “lưỡng Long chầu Nguyệt”, trên bàn thờ đặt các đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương, đĩa bồng. Án thờ là nơi thắp hương cầu trước khi vào bên trong bàn thờ Thần. Bên trong là các bàn thờ xây bằng xi măng, vôi vữa, ở giữa là bàn thờ Thần Hoàng, trên tường vẽ chữ “Thần” lớn màu vàng bằng chữ Hán trên nền “Rồng Phượng”, hai bên vẽ trang trí hoa văn hình học, bên dưới vẽ hình Long Mã.
Trên bàn thờ đặt các vật thờ cúng như: chân đèn, lư hương, đĩa bồng bằng gốm. Bên phải bàn thờ Thần là bàn thờ Thổ Công, trên tường vẽ chữ “Thổ Công” – theo tín ngưỡng dân gian thì nơi đất ở cóvị thần Đất (Thổ Công) canh giữ, cai quản, chính vì vậy mà nhân dân thờ Thổ Công; hai bên vẽ dây leo hóa Rồng và có cặp câu đối bằng chữ Quốc ngữ:
Ơn liệt sĩ vì nước bỏ mình
Công tiên tổ cùng xây non nước.
Bên trái là bàn thờ Tiền Hiền, trên tường vẽ chữ “Tiền Hiền” – những người có công quy dân, lập ấp tạo dựng xóm làng; hai bên vẽ hoa văn dây leo hóa Rồng giống bàn thờ Thổ Công, phía trên ghi dòng chữ: Uống nước nhớ nguồn, hai bên dưới có cặp câu đối bằng chữ Quốc ngữ:
Hậu duệ ân cần giữ kỷ cương
Tiền nhân khai sáng cơ đồ nghiệp.
Hồi phải đặt giá trống, hồi trái đặt giá mõ, khi có lễ hội thì đem chiêng đồng ra.
Trước kia Xuân kỳ Thu tế nhưng hiện nay cúng Xuân và cúng Thu hợp nhất lại cúng vào ngày 18/3 âm lịch (lễ hội mở từ 7 giờ ngày 18 đến 18 giờ ngày 19/3 âm lịch). Trước kia trong lễ hội có hát Bộ, nhưng hiện nay do điều kiện kinh tế nên không còn hát nữa.
Đình còn là nơi hội họp bàn những việc chung của làng, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng…
Thông qua di tích có thể nghiên cứu lịch sử hình thành vùng đất, văn hóa, phong tục tập quán… của nhân dân trên mảnh đất này.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc…đình được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa năm 2008.
Hoàng Quý / Nguồn