Năm nay, vì lo ngại biến động thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 nên người trồng hoa cúc cho vụ Tết Tân Sửu 2021 đã chủ động giảm sản lượng.
Sản lượng giảm đáng kể
Từ nay đến Tết Tân Sửu 2021 còn hơn 3 tháng nữa, nhưng những ngày này, về các làng hoa trong tỉnh, đã có thể cảm nhận không khí chuẩn bị cho vụ hoa Tết.
Về làng hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), những người trồng hoa cho biết, hiện nay đang tập trung lặt lá chân, ngắt đọt, nanh, tạo điều kiện cho cây vươn nhanh. Ông Trần Minh Tự – người trồng hoa cúc tại làng hoa Ninh Giang cho biết, từ đầu vụ đến nay, thời tiết đang ủng hộ người trồng hoa. Tuy nhiên, năm nay, vì lo ngại biến động thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 nên người trồng hoa giảm sản lượng. Những hộ trước đây trồng từ 800 đến 1.000 chậu thì nay giảm còn 400 – 500 chậu, chủ yếu là giống cúc đại đóa và pha lê. Ông Phan Sang – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang khẳng định, năm nay, sản lượng hoa của Ninh Giang giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với năm trước, tương ứng với 70 – 80 ngàn chậu hoa cúc.
Tương tự, tại tổ trồng hoa cúc thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), sản lượng hoa cũng giảm đáng kể. Ông Lê Văn Đàn – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức cho biết, sản lượng hoa giảm mạnh do không thể dự báo được thị trường trong tình hình dịch Covid-19 có nhiều biến động. Những người trồng hoa trước đây thường trồng từ 2.000 đến 7.000 chậu thì nay người nhiều nhất cũng chỉ dám trồng 1.000 – 2.000 chậu, có người bỏ không trồng nữa.
Theo phản ánh của người trồng hoa, năm nay, vật tư, phân bón tăng không đáng kể, chỉ có thuốc bảo vệ thực vật tăng nhẹ, chừng 5 – 10%. Nguồn giống hoa chủ yếu lấy từ Đà Lạt tăng nhẹ từ 160.000 đồng lên 180.000 đồng/thiên (1.000 cây). Từ đầu vụ đến nay thời tiết thuận lợi nhưng sắp tới, vào cao điểm mùa mưa bão cũng chưa lường hết được. Vì vậy, ở những khu vực trũng thấp, dễ ngập, người trồng hoa đã có phương án di dời hoa lên khu vực cao hơn.
Hỗ trợ người trồng hoa
Ở Khánh Hòa, hoa cúc là loại hoa Tết chủ lực được nông dân ưa chuộng, quen với cách chăm sóc, thị trường. Toàn tỉnh có phường Ninh Giang là làng hoa cúc lớn nhất đã có thương hiệu. Ngoài ra, còn có gần chục tổ hợp tác trồng hoa cúc rải rác tại các địa phương khác. Để giúp người trồng hoa có thêm kỹ năng, kinh nghiệm, các cấp hội nông dân đã có giải pháp trợ giúp. Ông Phan Sang cho hay, Hội Nông dân phường Ninh Giang đã tổ chức 1 lớp quản lý thương hiệu hoa cúc cho 50 người trồng hoa trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã hỗ trợ 10.000 nhãn thương hiệu hoa cúc Ninh Giang. Từ đầu năm, Hội Nông dân phường đã hỗ trợ 6 hộ vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh.
Còn theo ông Lê Văn Đàn, trong điều kiện sản xuất gặp nhiều bất lợi như năm nay (hạn hán, dịch bệnh…), người trồng hoa có nhu cầu vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, nhưng hiện nay quỹ đã hết vốn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, hiện nay, vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh không còn tồn vì đã cho các dự án vay hết. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh không thể tiếp tục hỗ trợ các nhóm sản xuất có nhu cầu. Các tổ hợp tác chờ một thời gian nữa khi các dự án cũ hết chu kỳ sẽ thu hồi vốn và hỗ trợ sau.