Đình Đại Cát quay hướng Nam, tọa lạc tại thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Việc đặt tên cho đình xuất phát từ việc lấy tên làng đặt cho đình; “Đại Cát” mang ý nghĩa “mang lại nhiều điều tốt lành”.
Làng Đại Cát được hình thành cách đây khoảng 300 năm, lúc đầu có vài chục hộ dân từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung rời bỏ quê hương vào sinh sống, lập nghiệp tại Ninh Hòa từng bước khai phá đất đai, xây dựng xóm làng, ban đầu thôn Đại Cát có tên làng là Đại An xã, tổng Thượng, huyện Tân Định. Năm 1943 Đại An xã đổi thành xã Đại Cát, tổng Thân Thượng, phủ Ninh Hòa. Đến năm 1945 xã Đại Cát đổi thành thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa.
Theo những tư liệu, hiện vật còn lưu lại tại đình và lời các cụ hào lão trong làng kể lại thì đình Đại Cát được xây dựng năm Bính Tý (1696) đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), do một số người dân ở miền Bắc di cư vào đây lập nghiệp xây dựng lên để làm nơi thờ phụng và làm nơi sinh hoạt của làng, dân cư ở đây lúc bấy giờ chỉ có khoảng 30 – 50 hộ gia đình.
Lúc mới xây dựng đình ở vị trí cách đình ngày nay khoảng 500m về hướng Tây vì nơi này toàn là rừng núi hoang vu, thú dữ thường xuyên đe dọa người dân nên đình mới dời về gần xóm để thuận tiện cho việc thờ cúng, sinh hoạt cũng như bảo quản, giữ gìn đình.
Trong quá trình lịch sử của dân tộc, đình Đại Cát là một trong những địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của huyện Ninh Hòa:
Năm 1945 trở về trước, Việt Minh nổi dậy chống thực dân Pháp trong làng có các anh hùng liệt sỹ anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp, một trong số đó đã hy sinh như: Trần Khang, Trần Khê, Lê Đình Thạnh, Trần Dũ, Hà Văn Thăng, Đặng Thao, Trần Xon; trong số đó có ông Trần Khang cũng tham gia chiến đấu nhưng may mắn được sống sót và qua đời do tuổi cao.
Theo lời các cụ hào lão và hiện vật còn lại tại đình (hộp đựng sắc phong) cùng các vị thần được thờ trong đình (Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương) thì đình Đại Cát có 01 sắc phong nhưng nay không còn nữa. Ngoài ra, đình Đại Cát còn bảo lưu được các kiến trúc cột, kèo, trính, câu đối, …còn tương đối nguyên vẹn.
Đình Đại Cát thờ Bản cảnh Thành Hoàng và phối thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, thần Nông Diệu Đế, Tiền Hiền, Sơn Lâm, Ngũ Hành, Âm hồn, Mục đồng, Mục tượng, Anh hùng liệt sỹ.
Từ ngoài vào trong, đình Đại Cát có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi Môn, Án Phong, Chính Điện, nhà Đông, nhà Tây, nhà Bếp và nhà Hậu. Điểm nổi bật của di tích là trang trí đẹp và sinh động với các bức tranh vẽ phong cảnh, hoa lá, chim muông; hệ mái trang trí hình “Lưỡng Long chầu Nhật”, hình các con vật Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng), hình đắp nổi “Bát tiên quá hải” ; các bức tranh vẽ hình chim Phượng, văn Mây, Rùa đội cuốn thư ….
Từ khi xây dựng đến nay, đình Đại Cát đã trải qua một số lần trùng tu, cụ thể như sau:
+/. Năm 1959: nâng cao nền Chính Điện, xây dựng Bái Đường, nhà Đông, nhà Tây.
+/. Năm 1988: Thay ngói Chính Điện bằng ngói Tây.
Thông thường, việc tổ chức lễ hội đình làng ở Ninh Hòa nói chung và đình Đại Cát nói riêng theo truyền thống “Xuân Thu nhị kỳ”, một năm cúng hai lần gọi là cúng Xuân (cúng vào mùa Xuân) và cúng Thu (cúng vào mùa Thu), cụ thể vào mùa Xuân cúng của đình Đại Cát vào ngày 16/02 (Âm lịch) và mùa Thu vào ngày 24/7 (Âm lịch).
Lễ vật và bài cúng được làm theo đúng nghi lễ truyền thống dân tộc: heo sống, hương hoa quả, trầu cau, bánh kẹo, rượu…
Lễ phục: Chánh tế, Đông hiến, Tây hiến mặc áo rộng, khăn đen. Các thành viên trong ban cúng tế còn lại mặc áo dài đen, khăn đen.
Ngày 20/11/2009, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 2997/QĐ-UBND xếp hạng Đình Đại Cát là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.