Đình xây dựng trên gò đất cao, bằng phẳng nằm ngoài cánh đồng về phía tây – nam của thôn Tân Hưng.
Đến di tích thuận tiện bằng giao thông đường bộ, đi từ thị trấn Ninh Hòa theo quốc lộ 1A vào Nam hoặc từ thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A ra Bắc, đến địa phận Cầu Cháy xã Ninh Lộc (Ninh Hòa), rẽ vào đường liên xã Ninh Hưng – Ninh Tân (đi qua Cầu Cháy ngay quốc lộ 1A), đi khoảng 2km rồi rẽ phải theo đường liên thôn vào xã Ninh Hưng, đi thẳng khoảng 1km vào trong thôn tới cánh đồng lúa là đến di tích.
Đình được khởi dựng vào thế kỷ XIX bằng tranh tre, nứa lá ngay gò Xương Châu gần sông Cây Chò. Do thời gian đình xuống cấp, đến năm 1924 nhân dân đóng góp tiền của, công sức di dời và xây dựng lại tại vị trí hiện nay. Từ khi tạo dựng đến nay, di tích trùng tu vào các năm 1924, 1968, 2004.
Đình Tân Hưng không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng…), đình còn thờ 57 liệt sĩ của thôn hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng. Nơi đây, từ năm 1945 là địa điểm phát động toàn dân tham gia kháng chiến, đóng góp sức người, sức của để chi viện cho Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa 101 ngày đêm (23/10/1945 – 02/02/1946), điển hình là Trung đoàn Nam tiến Lữ Giang đã dừng chân tại đây; năm 1946 tại đình diễn ra bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên của nhân dân địa phương; năm 1947 là địa điểm trao trả tù binh cho một viên sĩ quan người Pháp bị quân ta bắt trong trận giặc Pháp càn Trảng Cám; từ năm 1953, thực dân Pháp đã xây dựng đồn bốt để ngăn chặn căn cứ quân cách mạng của ta ở Hòn Lớn, (hiện nay 04 lô cốt của Pháp vẫn còn tại đây). Năm 2003, xã Ninh Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: nghi môn, sân đình, đình.
Nghi môn: xây bằng gạch, các trụ cổng hình vuông, cạnh 0,40m, trên đầu các trụ cột gắn các hình Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng), mặt trước các trụ có hai cặp câu đối bằng chữ Hán nói về sự hưng thịnh, sán lạn của quê hương, ơn đức đối với đất Việt. Từ nghi môn kéo ra xung quanh bằng hàng rào thép gai, không xây tường bao.
Sân đình: sân rộng, mặt sân lát gạch thẻ, giữa sân đặt án phong lớn, trên đầu án phong gắn hình cặp Lân chầu mặt Trời, mặt trước vẽ hình Long Mã cõng hà đồ, viền ngoài án phong có cặp câu đối “Tằng kiến phục nghĩa phân dịch quải, Thủy chiêm Long Mã phụ hà đồ” (Từng xem phục nghĩa chia quẻ dịch, Xưa ngóng Long Mã cõng hà đồ).
Đình: có kết cấu kiểu chữ “Nhất” ( 一 ), gồm 3 phần có tường ngăn cách biệt, có cửa thông sang nhau bằng cửa ngách, gian bên phải là nơi thờ Tiền hiền, Hậu hiền, gian bên trái là nơi thờ Liệt sĩ.
Nhà xây tường hồi bít đốc (tường hồi xây lên tận đầu mái), nhà chỉ có mái trước, mái sau không có mái hồi.
Nền: móng được xây bằng đá, gạch, mặt nền láng xi măng.
Tường bao: xây bằng gạch, tường quét sơn màu vàng, tường phía trước vẽ hình Hộ Pháp (bên phải là Khuyến Thiện, bên trái là Trừng Ác); trên đầu cửa vẽ hình cuốn thư, trong có ba chữ Đình Tân Hưng bằng chữ quốc ngữ; trên các đầu cửa vẽ tranh trang trí như Võ Tòng đánh Hổ, Tôn Hành Giả trừ yêu…trên các cột hiên có 3 cặp câu đối bằng chữ Hán nôm nói về sự hưng vinh của đời trước, ơn thần và sự bồi đắp cơ đồ của muôn đời sau.
Hệ mái: kiểu Tam Sơn, mái giữa (chính điện) cao, mái hai bên (miếu) thấp xuống, trên bờ nóc đắp nổi hình Tứ Linh.
Bên trong gian thờ Thần Hoàng, ở giữa có bộ khung đỡ bằng gỗ, hai bộ vì có cột gỗ vuông, vì nóc kết cấu vì kèo. Hai cột quân phía trong đắp hình Rồng (bằng xi măng) cuốn quanh đầu hướng lên trên; hai đầu hồi trong vẽ hình 2 con Ngựa, bên dưới đặt giá trống, giá chiêng; giữa nhà đặt án thờ bằng gỗ, bên trong sát tường đặt 3 bàn thờ xây bằng gạch, ở giữa là bàn thờ Thần Hoàng, bên phải là bàn thờ Hữu ban, bên trái là bàn thờ Tả ban, trên bàn thờ đặt các đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương, đĩa bồng…
Phần gian nhà bên phải là nơi thờ Tiên hiền, Hậu hiền, bên trong đặt bàn thờ xây bằng gạch, trên bàn thờ đặt 1 tấm gỗ khảm trai (bài vị chung) ghi tên các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng.
Phần gian bên trái là nơi thờ các liệt sĩ của làng, bên trong đặt bàn thờ xây bằng gạch, trên bàn thờ đặt tấm bảng ghi danh 57 liệt sĩ là người trong làng.
Bên hồi phải của đình là nhà Đông, nhà không xây tường bao, đỡ hệ mái là các cột bê tông, mái lợp ngói mới. Nhà Đông dùng làm hội trường.
Đình hàng năm tổ chức Xuân kỳ Thu tế (cúng Xuân và cúng Thu), trước năm 1975 trong lễ hội có hát bội, sau đó vì điều kiện kinh tế nên không hát nữa, từ năm 2004 trong lễ hội tổ chức hát bội lại. Lễ hội là dịp để mọi người dân trong làng dù đang sinh sống tại quê hương, hay đã đi làm ăn nơi xa đến dâng lễ vật, thắp nén nhang tỏ lòng thành kính tri ân công đức đối với Thành Hoàng và các bậc tiền bối, hậu bối có công với dân làng.
Với những bề dày giá trị về lịch sử – văn hóa, tiêu biểu là lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc gắn với di tích, năm 2005 UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Tân Hưng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.