Phủ đường Ninh Hòa quay theo hướng Đông Nam, nằm trong khuôn viên Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hòa thuộc phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ninh Hòa là thị xã đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, thuộc tỉnh Khánh Hòa, nằm trên tọa độ từ 12020’ – 12045’ độ vĩ Bắc, 105052’ – 109020’ độ kinh Đông, có ranh giới chung với huyện Vạn Ninh ở phía Bắc, huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang ở phía Nam, giáp tỉnh Đắc Lắc ở phía Tây, giáp biển ở phía Đông. Trung tâm huyện cách thành phố Nha Trang 33km về phía Bắc (theo Quốc lộ 1A).
Thị xã Ninh Hòa dưới thời Nguyễn là huyện Tân Định. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” có ghi như sau:“Huyện Tân Định: ở cách phủ Ninh Hòa 21 dặm về phía đông nam; đông tây cách nhau 27 dặm, nam bắc cách nhau 36 dặm, phía đông đến biển 20 dặm, phía tây đến Man động 7 dặm, phía nam đến địa giới huyện Phước Điền 21 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Quảng Phúc 15 dặm. Tên huyện đặt từ đầu bản triều, đầu đời Gia Long cho lệ vào quản đạo Bình Hòa. Năm Minh Mệnh thứ nhất bỏ chức quản đạo, đặt tri huyện Tân Định, kiêm lí công việc huyện Quảng Phúc, năm thứ 7 thuộc phủ kiêm lí, bỏ tri huyện; năm thứ 13 lại đặt tri huyện. Nay lãnh 3 tổng, 74 xã thôn”. Sách này cũng ghi: “Lị sở huyện Tân Định: chu vi 40 trượng linh, rào bằng chông chà, ở xã Thịnh Mỹ trong huyện, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 12”. Qua những ghi chép trên, chúng ta biết được rằng: từ Minh Mệnh năm thứ nhất (1820) nơi đây đã được chọn làm lị sở của huyện Tân Định và đến Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) lị sở được xây dựng với quy mô khang trang. Bởi lẽ đây là một trụ sở chính trị của huyện (rồi sau đó là Phủ) do vậy Phủ đường Ninh Hòa có nhiều công trình xây dựng song do những biến động về lịch sử – xã hội nên đến nay chỉ còn ngôi nhà chính làm Phủ đường là còn tương đối nguyên vẹn, còn hầu hết các công trình khác đều bị phá hủy.
* Khảo tả di tích: Phủ đường là công trình kiến trúc có hình chữ nhật quay hướng Đông Nam, được xây bằng gạch bao quanh. Về tổng thể, di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu kiến trúc 3 gian 2 chái. Riêng phần tường phía trước hiên và phần mái có kiến trúc theo mô típ trang trí của cấu trúc thành cổ ở cố đô Huế. Chính điều này tạo nên sự trang nghiêm mang tính chất của một Công đường. Đây là mô típ kiến trúc truyền thống tiêu biểu của triều đình nhà Nguyễn. Có thể nói rằng: tổng thể ngôi nhà được cấu trúc một cách khá hài hòa, uy nghiêm mà duyên dáng, thanh thoát, tạo ra được hiệu quả nghệ thuật và gây ấn tượng với mọi người.
Tòa nhà chính là tòa công đường, để đi lên mặt bằng vào đại sảnh của Công đường phải đi lên 5 bậc cấp được xây bằng gạch tráng xi măng và thềm có kích thước 3,3m x 4,6m. Đây là nơi được dùng để thông báo các lệnh chỉ, phủ dụ của vua quan triều đình cho đội ngũ nha lại ở Phủ.
Qua khỏi thềm là hành lang (có kích thước 2,3m x 16,8m ) chạy dài suốt chiều ngang mặt trước ngôi nhà. Ngôi nhà chính có cấu trúc theo kiểu 03 gian 02 chái. Gian giữa rộng hơn, làm đại sảnh. Hai bên gian đại sảnh, mỗi bên gồm một gian và một chái ở đầu hồi. Tổng diện tích tòa nhà là 15,6m x 9,5m. Bên trong ngôi nhà là hệ thống kết cấu khung gỗ nâng đỡ hệ mái với 26 cột.
Gian Đại Sảnh nằm chính giữa ngôi nhà, có kích thước 4,6m x 9,5m. Hai bên gian Đại Sảnh là 2 phòng làm việc có kích thước 5,5m x 9,5m, mỗi phòng liên kết gồm 01 gian và 01 chái nhỏ, đây vốn là nơi làm việc của Nha lại giúp việc ở Phủ. Hai đầu hồi của 2 phòng làm việc còn có 2 đường bậc cấp lên xuống ở hai đầu, trên có ngưỡng cửa vòm.
Toàn bộ Phủ đường có kết cấu 4 mái gồm 2 mái trước – sau và 2 mái hồi hai bên, lợp ngói âm dương. Hệ thống tường bao có 5 cửa vòm xây gạch thẻ cuốn cong phần ngưỡng cửa phía trên theo kiến trúc phương Tây, song song đối xứng nhau. Phần trên cùng diềm mái được xây những ô trống hình lục lăng, hình tròn, hình quả trám để trang trí. Điều đó giúp cho ngôi nhà có vẻ bề thế song vẫn mang dáng dấp của các kiến trúc dân gian cổ của vùng đồng bằng Ninh Hòa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trước kia, phía sau gian bên tả còn có nhà Đội lệ (quân lính) và phòng giam, nhưng trải qua các biến cố của lịch sử, nay đã không còn.
Có thể nói, Phủ đường Ninh Hòa là một công trình kiến trúc mang tính chất của một Công đường, cơ quan cai trị của triều đại phong kiến nhà Nguyễn hiện còn lại duy nhất và tương đối nguyên vẹn ở Khánh Hòa. Về cơ bản, ngôi nhà vẫn được bảo lưu như cũ và với lần tu bổ gần đây nhất (năm 2005) đã đưa di tích quay trở về với đúng chức năng và thiết kế của một ngôi Phủ đường. Đây cũng là một cơ sở khoa học để có thể làm tiêu chí so sánh khi cần thiết trong việc phục hồi các di tích đồng dạng với nó. Chính vì vậy, ngoài giá trị về lịch sử – văn hóa, di tích này còn có giá trị cao về một dạng kiến trúc có tính chất công đường ở Khánh Hòa.
* Năm 2010, Phủ đường Ninh Hòa đã tiến hành sưu tầm, phục chế, phục dựng, tái hiện lại hình ảnh và các hiện vật trưng bày như sau:
Gian Đại sảnh: trưng bày một bộ bàn ghế có tượng mô phỏng cảnh quan Tri phủ đang ngồi làm viêc, một hòm sách ở bên phải và một ống gỗ đựng roi da bò, roi cá đuối ở bên trái. Trên bàn trưng bày ống đựng bút, nghiên mực, ấn triện, hộp đựng thẻ lệnh. Tại vị trí ngồi làm việc của viên tri huyện còn có cặp tàn, lọng che trông rất uy nghiêm. Phía sau tri huyện (giữa Đại sảnh) đặt bộ Bát kích (gồm 10 loại binh khí cổ) và một lính hầu ngồi kéo quạt. Ngoài ra còn có 02 bức tranh sơn dầu mô tả quang cảnh sự kiện 16/7/1930 ở núi Ổ Gà và Phủ đường Ninh Hòa.
Gian bên tả: là nơi ở của gia đình Tri phủ và các lính hầu; trưng bày 01 bộ Tràng kỷ, 02 tủ kính đựng các hiện vật: trang phục lính xưa, trang phục của tri huyện (khăn đóng, áo the, bộ veston, mũ phớt, cà vạt đen, giày hạ, guốc mộc), bộ gươm giáo (2 gươm, 2 đao), bộ điếu bát gốm sứ, khay khảm xà cừ và bộ ấm chén, một ống bình vôi. Cũng tại gian này, còn trưng bày 2 tượng composite 02 người lính khiêng võng, 01 tượng composite người mang lọng, 1 tượng composite người đang kéo xe.
Gian bên hữu: là phòng làm việc của viên thư ký Tri phủ, có nhiệm vụ tiếp khách trước khi trình báo Tri phủ và truyền đạt thông tin, lệnh chỉ đạo của Tri phủ…. Nơi đây trưng bày 02 bộ bàn ghế cổ ngồi làm việc và tiếp khách.
Cả 3 gian phòng còn trưng bày 20 bức ảnh (khổ từ 70 x 90cm đến 1,6 m) về các di tích, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Ninh Hòa.
Từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phủ đường Ninh Hòa, ngày 21/8/2000 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 16/2000/QĐ-BVHTT xếp hạng Phủ đường Ninh Hòa là di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
* Phủ Đường Ninh Hòa gắn liền với một số sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Trong đó có 2 sự kiện tiêu biểu:
– Sự kiện thứ nhất:
Thực hiện quyết định của Xứ ủy Nam Kỳ, trên cơ sở đánh giá cao phong trào cách mạng của huyện Tân Định, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chỉ thị cho Đảng bộ Tân Định huy động quần chúng biểu tình đấu tranh hưởng ứng phong trào Nghệ An.
Giữa đêm ngày 15/7, hơn 500 người dân ở các khu vực Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Điềm Tịnh, Phước Đa, Quan Đông, Phước Thuận…trong đó, đông nhất là vùng Hòn Khói đã bí mật tập trung an toàn tại phía bắc núi Ổ Gà. Khoảng 5 giờ sáng ngày 16/7, đoàn biểu tình kéo lên Quốc lộ I (đoạn ngã ba quốc lộ I lên Bệnh viện huyện hiện nay) xếp thành hàng năm, đi đầu là 5 phụ nữ: Nguyễn Thị Miến, Nguyễn Thị Chuột (ở Hòn Khói), Nguyễn Thị Thích, Mai Thị Tý, Huỳnh Thị Sương (ở Suối Ré). Các chị thay nhau cầm cờ, khẩu hiệu, đánh trống lệnh; đồng chí Dương Chước đi đầu, cầm còi chỉ huy. Đi sau là công nhân lao động làm muối, đánh cá, nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ…từng đoạn có tự vệ như ông Ngô Như ở Hòn Khói, Nguyễn Bá ở huyện lỵ. Trời vừa rạng sáng, đoàn biểu tình trương cờ và khẩu hiệu kéo vào trung tâm huyện lỵ, còi thổi, trống dục liên hồi, vừa đi vừa hô khẩu hiệu vang dội, nhân dân đổ ra đường xem đông nghẹt. Các khẩu hiệu được hô vang:
– Đả đảo Đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến!
– Ủng hộ phong trào công nông Nghệ -Tĩnh!
– Đả đảo khủng bố!
– Giảm sưu thuế!
– Bỏ thuế chợ, tăng giá lúa!
– Ủng hộ Liên bang Xô -Viết!
Hai khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến” và “Ủng hộ Liên bang Xô-Viết” cho thấy mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã gắn với nhau từ những ngày đấu tranh đầu tiên.
Đoàn biểu tình đứng kín trước sảnh đường, đồng chí Dương Chước và 2 tự vệ bước vào công đường đưa bản yêu sách cho viên Tri huyện và nói rõ ý nghĩa, mục đích và yêu sách của cuộc biểu tình. Tri huyện Đinh Bá Cẩn hoảng sợ, phải tiếp nhận bản yêu sách, vừa ký vừa run lập cập. Một nhóm tự vệ khác mở cửa đề lao thả những người tù bị bắt giam. Về sự kiện trọng đại này, trong Báo cáo hàng năm (6/1930 – 5/1931) của mật thám Trung kỳ đã thú nhận: “Ngày 16/7/1930, từ 6 đến 7 giờ sáng, một đoàn từ 700 đến 1000 người bắt giữ tại huyện đường viên tri huyện Tân Định ở Ninh Hòa. Họ thả người bị bắt duy nhất ấy, sau khi bắt buộc ký vào bản bãi bỏ các sắc thuế. Cuộc biểu tình gồm một số lớn người Bá Hà. Đi đầu cuộc biểu tình là trống và cờ đỏ búa liềm. Một số tương đối lớn phụ nữ đi đầu cuộc biểu tình”.
Sau đó, đoàn biểu tình tỏa ra đường diễu hành và tập trung trước chợ Dinh tổ chức mít tinh. Nhân dân đang mua bán trong chợ đến nghe rất đông. Đồng chí Dương Chước kê bàn, bắc ghế đứng lên vạch trần âm mưu, tội ác của thực dân, phong kiến; nói vắn tắt chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản đồng thời kêu gọi đồng bào đứng lên đoàn kết đấu tranh chống ách áp bức bóc lột.
Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 là dấu son chói lòa mở đầu thời kỳ đấu tranh cách mạng rực rỡ của Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Hòa. Tinh thần ấy luôn tỏa sáng trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của huyện. Không những thế,ngày 16/7 được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết là“Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa”.
– Sự kiện thứ hai:
Năm 1931, huyện Tân Định và 03 tổng của huyện Quảng Phước được sáp nhập thành Phủ Ninh Hòa và huyện đường Tân Định trở thành Phủ đường Ninh Hòa. Phủ đường Ninh Hòa chính là nơi chứng kiến sự sụp đổ của chế độ phong kiến cuối cùng ở Ninh Hòa và đánh dấu ý nghĩa trọng đại về sự ra đời của chính quyền cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương.
Sáng ngày 17/8/1945, hàng vạn nhân dân các làng xung quanh phủ lỵ đổ ra đường, trương cờ và khẩu hiệu xuống đường biểu tình rồi từ các ngả đường ùn ùn kéo vào phủ lỵ, khu phố Ninh Hòa tràn ngập biển người, cờ đỏ sao vàng rợp trời; tiếng trống, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy, rầm rập kéo vào Phủ Đường. Tri phủ Hồ Hưng mang giấy tờ ấn tín và 800 đồng Đông Dương ra giao cho đại diện của Việt Minh. Sau đó, đoàn biểu tình tập trung tổ chức mít tinh tại Sân vận động cạnh Phủ đường (nay là Nhà Văn hóa thị xã). Đồng chí Trịnh Huy Quang trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập Chính quyền cách mạng, công bố Ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời Phủ Ninh Hòa do đồng chí Trịnh Huy Quang làm Chủ tịch.
* Một số sự kiện khác diễn ra tại di tích:
– Sau khi giành được thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đã đóng tại Phủ đường.
– Trong ngày 02/9/1945, các cán bộ cách mạng và nhân dân địa phương đã tập trung ở tại Phủ đường để nghe qua Radio bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
– Là nơi Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đã tổ chức phát động các phong trào yêu nước như: Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, Quỹ độc lập, Hũ gạo kháng chiến, Hũ gạo nuôi quân… trong những ngày đầu độc lập.
– Là nơi nhân dân Ninh Hòa tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 06/01/1946).
– Tháng 01/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc phái viên của Hồ Chủ Tịch đã đến làm việc và lưu lại tại Phủ đường trong những ngày kiểm tra tình hình chiến đấu của quân và dân Khánh Hòa.
– Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954), nơi đây trở thành Quận đường quận Ninh Hòa dưới sự thống trị của bè lũ tay sai bán nước. Trong những năm tháng từ 1954 – 1959, đây là địa điểm“Tố Cộng” nhằm đe dọa và khủng bố tinh thần nhân dân.
– Ngày 02/4/1975, quân ta đã giải phóng Ninh Hòa và tiếp quản Quận đường. Ngay sau đó, tại trụ sở Quận đường Ninh Hòa, người dân đã chứng kiến sự kiện Ủy ban quân quản cách mạng Ninh Hòa được thành lập.
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước độc lập thống nhất, nhân dân Ninh Hòa cùng nhân dân cả nước bắt tay vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phủ đường Ninh Hòa đã trở thành trụ sở của Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hòa.
Xuất phát từ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phủ đường Ninh Hòa, ngày 21/8/2000 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định xếp hạng số 16/2000/QĐ-BVHTT xếp hạng Phủ đường Ninh Hòa là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Phủ đường Ninh Hòa không những là công trình mang yếu tố kiến trúc tiêu biểu nhất của một Công sở – cơ quan cai trị của chế độ phong kiến còn lại ở Khánh Hòa hiện nay – mà còn gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng và có tính chất tiêu biểu nhất của phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt các thời kỳ từ 1930 – 1975.
Như vậy, di tích lịch sử Phủ đường Ninh Hòa là một di tích có giá trị rất lớn đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Khánh Hòa trong hơn một thế kỷ lại vừa có giá trị cao về văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, di tích còn là nơi chứng kiến sự sụp đổ của chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Chính vì vậy, di tích Phủ đường Ninh Hòa có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở Khánh Hòa.