Văn chỉ Ninh Hòa quay hướng Nam, tọa lạc tại thôn Phước Lý – xã Ninh Bình – huyện Ninh Hòa – tỉnh Khánh Hòa.
Khổng Tử (551 – 470 TCN) là vị tổ sư về Nho học ở Trung Quốc, là tấm gương lớn “tự học không biết chán, dạy người không biết mỏi”. Sách kinh điển của Nho giáo gồm 2 bộ:
1/. Bộ thứ nhất là Ngũ Kinh, phần lớn có từ trước, Khổng Tử đã gia công san định, hiệu đính và giải thích. 5 cuốn đó là: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.
2/. Bộ thứ hai là Tứ Thư, bao gồm: Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử.
Tứ Thư và Ngũ Kinh trở thành 2 bộ sách gối đầu giường của Nho gia.
Nho học ở Việt Nam có lịch sử phát triển khá lâu dài. Từ một vài thế kỷ trước Công nguyên, ngôn ngữ và văn tự của người Hán đã được truyền bá vào nước ta. Đến những thế kỷ đầu Công nguyên, đặc biệt dưới thời Sỹ Nhiếp làm Thái thú ở Giao Châu việc học chữ Hán đã ngày càng mở rộng. Tuy vậy, phải đến thời kỳ đất nước độc lập, tự chủ với việc nhà Lý cho xây dựng Văn miếu – Quốc tử giám và mở khoa thi Minh kinh bác học và Nho học Tam trường đầu tiên năm 1075 thì từ đó Nho học ở Việt Nam mới thực sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn, số người Việt Nam theo học Nho học thực khó kể hết, chỉ biết rằng riêng con số những người đỗ đại khoa từ khoa thi đầu tiên nói trên đến khoa thi Hội cuối cùng (năm 1919) đã là 2.898 người. Đó thực sự là những nhân tài, tinh hoa của đất nước. Nhiều người trong số họ đã nổi danh trên khắp các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn học nghệ thuật và có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Lê Văn Thịnh, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn…
Trong bối cảnh chung đó, Văn miếu Bình Khang được xây dựng Gia Long năm thứ 02 (1803) ở làng Phước An – tổng Trung – huyện Tân Định. Dưới thời vua Thiệu Trị năm thứ 04 (1844), nhà vua có chiếu chỉ cho lập miếu thờ đức Khổng Tử rộng rãi trên cả nước. Hưởng ứng chiếu chỉ của nhà vua, các thân hào nho sĩ của huyện Tân Định đã góp công, góp của xây dựng miếu thờ đức Khổng Tử trên nền cũ của Văn miếu Bình Khang (lúc này đã chuyển về Diên Khánh). Khi đó, làng Phước An đổi thành Phước Lý, tổng Trung đổi thành Hiệp Trung tổng.
Văn chỉ Ninh Hòa thờ các vị sau:
– Khổng Tử
– Tứ phối (4 người được thờ chung với Khổng Tử) là: Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cấp và Mạnh Kha.
– Thập triết (10 vị học trò giỏi được Khổng Tử tin yêu) là: Mẫn Tổn, Nhiễm Ung, Đoan Mộc Tử, Trọng Do, Bốc Thương, Nhiễm Canh, Tể Dư, Nhiễm Cầu, Ngôn Yển, Chuyên Tôn Sư.
– Thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử).
– Lịch đại tiên nho và Lịch đại khoa nho (thờ những người đỗ đạt theo học Nho giáo thời trước và những người đỗ đạt ở huyện Tân Định). Riêng huyện Tân Định (nay là huyện Ninh Hòa) có ít nhất 08 vị Cử nhân Nho học là: Nguyễn Vĩnh Trinh, Nguyễn Văn Nhuận, Trần Văn Chất, Phạm Đăng Xuân, Trần Thành, Trần Văn Thông, Cao Đệ, Phạm Tấn.
Từ ngoài vào trong, Văn chỉ Ninh Hòa có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, Tiền đường, Nội điện, nhà Đông.
Từ khi xây dựng tới nay, Văn chỉ Ninh Hòa đã trải qua những lần trùng tu, tu sửa như sau:
– Khoảng năm 1884: Văn chỉ bị hư sập và được trùng tu lại nhiều lần sau đó.
– Năm 1997: trùng tu nhà Đông.
– Năm 2001: trùng tu Tiền đường và nhà Nội điện (sửa mái ngói, thay kèo).
– Năm 2002: tráng nền và làm lại sân.
Ở Văn chỉ Ninh Hòa chỉ làm lễ tế vào ngày Thọ chung (Thánh húy) của Khổng Tử, không có hội. Lễ cúng theo nghi thức truyền thống kéo dài trong khoảng một giờ vào sáng ngày 18/4 Âm lịch hàng năm. Ngày Thánh đản (ngày sinh của Khổng Tử) và ngày Tết Nguyên đán chỉ mở cửa để thắp hương tưởng niệm, lễ phẩm chỉ có hương, hoa, trà, trầm chứ không đầy đủ như lễ cúng ngày Thọ chung.
Ngày 06/11/2006, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 1888/QĐ-UBND xếp hạng Văn chỉ Ninh Hòa là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Vũ Ngọc Hải / Nguồn