Ninh Hòa (Khánh Hòa) – nơi có con sông Dinh êm đềm, bình lặng trải mình qua những làng mạc, tưới mát cho lũy tre, rặng dừa và những cánh đồng bát ngát. Cảnh vật đó như là chất xúc tác cho tâm hồn nghệ sĩ của người dân nơi đây. Đến Ninh Hòa, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu ca mượt mà sâu lắng, hoặc những cuộc chơi đờn ca tài tử thâu đêm suốt sáng. Người dân ở Ninh Hòa vẫn thường gọi những bản nhạc, những câu ca như thế là ca cổ.
. “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu”
Một chiều, chúng tôi đến thôn Đại Cát 2 (xã Ninh Phụng) tìm gặp ông Lê Hồng Thuyên – người được giới đờn ca tài tử Ninh Hòa coi như “anh hai” trong nghề. Trong không gian thoáng đãng, chúng tôi thấy một ông già ngồi ôm cây đàn nguyệt chơi một đoạn trong lớp dựng Văn Thiên Tường của sân khấu cải lương. Tiếng đàn của ông nghe như thể tiếng lòng của soạn giả được ông chuyển tải đến người nghe. Trò chuyện cùng ông, chúng tôi hiểu thêm về những bản ca cổ cũng như cuộc đời phiêu bạt đi theo tiếng đàn, lời ca của một tài tử.
Những người như ông Thuyên (bìa phải) đang giữ vốn ca cổ trên vùng đất Ninh Hòa. |
Ông Thuyên quê gốc ở thị trấn Ninh Hòa (nay là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa). Sinh ra trong một gia đình vốn say mê đàn ca, từ nhỏ, ông đã sớm thuộc “sáu câu, bảy bài” trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Năm 14 tuổi, vì niềm đam mê ca hát ấy, ông quyết định đi theo các gánh hát lang bạt khắp trong Nam, ngoài Bắc. Những gánh hát ông theo lúc đó thuộc dạng trung bang (những nhóm trung bình) như: Bạch Yến, Thu Nga, Phước Hòa, Mai Hoa… “Thời đó đi hát vui lắm. Đến đâu, khán giả cũng đông nghịt. Những buổi biểu diễn của đoàn đều diễn ra trong rạp hát đàng hoàng. Mình ca hay, đờn “ngọt” được khán giả thưởng tiền. Thu nhập của anh em đi hát lúc đó rất khá…” – ông Thuyên tâm sự. Thời gian đó cũng là lúc ông Thuyên học hỏi và trau dồi vốn hiểu biết về ca cổ và rèn luyện ngón đàn của mình ngày càng mê hoặc lòng người. Từ 1958 đến 1963, ông đã học thuộc các bản cổ nhạc trong hai tập sách Cổ nhạc canh tân và Cổ nhạc tầm nguyên của Trịnh Thiên Tứ. Trình độ ngón đàn của ông đạt đến cấp độ cao nhất trong danh xưng của những người chơi đờn ca tài tử, đó là người chơi được 7 bài nhạc lễ, 4 bài oán. Năm 1963, vì hoàn cảnh gia đình, ông phải về quê. Mãi đến năm 1975, nỗi nhớ những bản nhạc cổ đã thôi thúc mạnh mẽ ông trở lại với nghề xưa. Ông ôn lại những tuồng cũ, kêu gọi anh em, làng xóm có chung niềm đam mê lập nên nhóm đờn ca tài tử, lấy tên gọi là nhóm Quê hương. Hoạt động của nhóm chủ yếu là biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã, trong huyện. Để tưởng nhớ những người sáng lập ra dòng đờn ca tài tử, từ nhiều năm nay, cứ vào ngày 12-8 âm lịch, ông Thuyên lại tổ chức lễ cúng tổ nghề. Trong ngày này, những người say mê ca cổ ở khắp mọi nơi trong tỉnh lại tề tựu về nhà ông để cùng giao lưu, học hỏi, thi thố tài năng… Để lưu truyền vốn nghệ thuật của cha ông, đồng thời khơi dậy niềm đam mê vốn cổ, ông Thuyên đã không quản vất vả để truyền dạy cho con cháu trong nhà, trong làng những ngón đàn, lời ca. Ông còn đến Nhà Thiếu nhi thị xã Ninh Hòa để truyền dạy cho các em học sinh nơi đây. Ông làm tất cả những điều đó chỉ với tâm nguyện: “Ca cổ bây giờ đã không còn được vị trí vốn có, nhưng nếu chúng ta không biết giữ gìn thì sẽ bị mai một. Để khôi phục vị trí cũ của nền ca cổ là một việc khó, nhưng cố gắng giữ gìn để thế hệ sau biết về vốn văn hóa, tâm hồn của người xưa là việc cần làm”.
. Giữ câu ca xưa?
Đờn ca tài tử được coi là cha đẻ của nghệ thuật cải lương. Vùng đất Ninh Hòa là nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn loại hình nghệ thuật này. Hiện tại, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 4 nhóm đờn ca tài tử hoạt động chính thức ở các xã, phường như: Ninh Phụng, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Giang. Còn những nhóm hoạt động không chính thức, hầu như địa phương nào cũng có. Tuy nhiên, thực tế lâu nay, hoạt động của các nhóm chính thức và không chính thức này đều mang tính chất tự phát. Đó là tập hợp những người có chung niềm đam mê, yêu thích bộ môn ca cổ cùng ngồi lại với nhau để sinh hoạt đàn hát hoặc đi biểu diễn phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Thỉnh thoảng, một vài thành viên xuất sắc của các nhóm được lãnh đạo chính quyền mời tham dự các hội diễn nghệ thuật quần chúng hoặc chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ, Tết; còn việc tạo sân chơi cho những nhóm hát này (như tổ chức các cuộc thi giữa các nhóm) thì lâu nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Những người như ông Thuyên mong muốn: “Mong có được một cuộc thi định kỳ hàng năm hoặc hai năm để các nhóm ca cổ được gặp gỡ, giao lưu với nhau. Từ đó thúc đẩy phong trào luyện tập, đàn hát ca cổ ngày càng phát triển”.
Hiện nay, việc sưu tầm, nghiên cứu về ca cổ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa vẫn chưa có sự quan tâm đúng mực. Theo ông Trương Nguyên Hải – Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Ninh Hòa: “Định hướng sắp đến của thị xã là thống kê, sau đó lồng ghép vào môn nhạc để dạy cho các em ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở. Hy vọng, với cách làm này, vốn ca cổ ở Ninh Hòa sẽ được lưu giữ và phát huy”.
Sau thành công của các bộ môn như: hát quan họ, hát ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, hiện tại, việc lập hồ sơ để đờn ca tài tử được UNESCO công nhận đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam thực hiện. Nên chăng, thị xã Ninh Hòa cũng có phương án để sưu tầm, phát huy vốn nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn.
NHÂN TÂM