Bánh canh cá dầm là món ăn rất quen thuộc với người dân Khánh Hòa, nhưng tôi vẫn thích ăn món này ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) bởi nước nấu ở đây trong, ngọt thanh quyện với rau nêm bằng lá hẹ tạo mùi vị vừa quen, vừa lạ.
Hồi nhỏ, nhà tôi ở cạnh sông Dinh, nhà nghèo nên lâu lâu mới được mẹ cho tiền ăn sáng. Cầm tiền trên tay là tôi chạy ù ra chợ Dinh, ghé ngay vào quán bánh canh cô Linh ở trước cổng chợ, háo hức chờ cô múc cho tô bánh canh bột gạo với ít cá dầm, vài lát chả, bên trên rắc đầy lá hẹ xắt nhuyễn. Bưng tô bánh canh nóng hổi, tôi vừa hít hà mùi thơm quyện giữa nước lèo được nấu từ cá ngừ tươi, vừa thưởng thức những cọng bánh dẻo và mềm được làm từ gạo, miếng cá dầm béo ngậy, miếng chả chiên dai ngọt cùng vị thơm nồng của lá hẹ.
Quán bánh canh cá dầm Linh bên hông chợ Dinh tồn tại khá lâu.
Tô bánh canh cá dầm được nêm bằng hẹ có vị thơm đặc trưng.
Chuyển vào Nha Trang sống khá lâu, ăn bánh canh ở nhiều nơi nhưng tôi vẫn thích hương vị bánh canh Ninh Hòa. Bởi ở Nha Trang, các quán đều dùng cọng hành làm rau nêm nên khi ăn không có hương vị đặc trưng như lá hẹ. Chính vì thế, mỗi lần ra Ninh Hòa, tôi lại tranh thủ ghé các quán bánh canh để tìm lại hình ảnh của tuổi thơ, thưởng thức món ăn yêu thích.
Chợ Dinh bây giờ đã được xây mới khang trang, quán bánh canh cô Linh giờ đã dời qua bên hông chợ nhưng hương vị vẫn giữ nguyên như cũ, giá rất bình dân, chỉ 10.000 đồng/tô. Hỏi chuyện, cô Linh cho biết, để nấu được nồi nước có vị ngọt thanh, cô phải đặt mua cá tươi từ cảng, sau khi luộc cá, phải lọc qua nhiều lần để nước trong. Chả cá được làm từ cá thu ảo hoặc cá đỏ có trộn thêm ít mỡ xắt hạt lựu, tiêu hột và được quết từ tay người có nhiều kinh nghiệm nên miếng chả cá dai nhưng vẫn mềm, ngọt và thơm. Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của người ăn, ngoài món bánh canh bột gạo, cô còn bán thêm món bánh canh bún. Ở những quán khác, khi bán món này họ thường nấu bằng cọng bún mua ở chợ nên nước nấu dễ bị chua (do bột làm bún ngâm lâu ngày), ăn hơi bở. Riêng bún ở quán cô Linh do nhà cô tự làm, bột gạo được ngâm và làm trong ngày nên cọng bún dai, mềm, khi nấu nước không bị chua, lại có độ sệt. Người thích ăn cay có thể bỏ thêm ít ớt dầm trộn đường và mắm cũng do gia đình cô tự làm. Vào mùa đông, có dịp thưởng thức món bánh canh nóng hổi kèm vị cay xè của ớt dầm, vừa ăn vừa hít hà cũng là cái thú của những người thích ăn vặt ở Ninh Hòa.
Ngoài bánh canh bột gạo, bún, ở Ninh Hòa còn có quán bánh canh cua biển Hồng Hạnh (nằm trên đường Trần Quốc Tuấn) mở bán đã hơn 10 năm. Đây cũng là địa chỉ được nhiều người thích ăn vặt của địa phương, khách du lịch tìm đến. Món bánh canh cua biển có vị khá đặc trưng, được nấu bằng nước luộc cua biển nên nước lèo có đủ độ mặn, ngọt, thơm của cua. Sợi bánh được nấu từ bánh canh bột lọc Tây Ninh nên không bị nở và sệt. Với giá 30.000 đồng/tô, tuy khá cao nhưng cũng đáng để thưởng thức vì tô bánh canh được bỏ kèm khá nhiều thịt cua, chả cá. Món này ăn kèm với rau sống, nước mắm ngọt rất hấp dẫn.