Đình Phong Phú quay hướng Nam, tọa lạc tại thôn Phong Phú 2, xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên đình lấy từ tên làng Phong Phú với ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống dân làng được no đủ.
Theo lời các cụ hào lão trong làng kể lại: đình Phong Phú được xây dựng năm Qúy Mão (1843), do nhân dân trong thôn Phong Phú đứng ra xây dựng.
Trong quá trình lịch sử của dân tộc, đình Phong Phú là một trong những địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của huyện Ninh Hòa:
Năm 1946, cả nước diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, có ý nghĩa to lớn đó là ngày cả nước đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đình Phong Phú tự hào là một trong những địa điểm họp của cơ sở cách mạng chuẩn bị cho tổng tuyển cử dưới sự chủ trì của ông Lê Minh Châu (Mũi trưởng).
Năm 1967, tại đình dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Trọng Lại đã diễn ra trận đánh lớn với hai Trung đội địch và ta đã thắng lớn, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của huyện Ninh Hòa.
Hiện nay, đình Phong Phú còn bảo lưu được các hoành phi, câu đối, lư hương và 05 đạo sắc phong của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định triều Nguyễn ban tặng. Các sắc phong cho phép nhân dân tiếp tục thờ cúng các vị thần tại đình, 05 sắc phong đạo sắc phong như sau:
1/. Ngày 05 tháng 10 triều vua Tự Đức năm thứ 5 (1852):
Ban tặng cho Bản cảnh Thành hoàng với mỹ tự “Bảo an chính trực, hựu thiện đôn ngưng”.
2/. Ngày 24 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880):
Ban tặng cho Bản cảnh Thành hoàng với mỹ tự “Bảo an chính trực, hựu thiện đôn ngưng”.
3/. Ngày 01 tháng 7 triều vua Đồng Khánh năm thứ 02 (1887):
Ban tặng cho Thành hoàng với mỹ tự “Dực bảo trung hưng”.
4/. Ngày 11 tháng 8 triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909):
Ban tặng cho Bản cảnh Thành hoàng với mỹ tự “Tịnh hậu Trung đẳng thần”.
5/. Ngày 25 tháng 7 triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924):
Ban tặng cho Bản cảnh Thành hoàng với mỹ tự “Bảo an chính trực, hựu thiện đôn ngưng, dực bảo trung hưng”.
Đình Phong Phú thờ Bản cảnh Thành hoàng, Ông Nam Hải, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y A Na, Âm hồn, Sơn Lâm chúa tướng, Thổ Địa và Anh hùng Liệt sỹ.
Từ ngoài vào trong, đình Phong Phú có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, Chính điện, miếu Tiền hiền, nhà Đông, nhà Hậu, nhà Bếp, miếu Thiên Y A Na, miếu Âm hồn. Điểm nổi bật của di tích đình Phong Phú là trang trí rất đẹp, các bức tranh vẽ phong cảnh, hoa lá, chim muông. Hệ mái trang trí hình “Lưỡng Long chầu nguyệt”, hình các con vật Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), hình đắp nổi “Bát tiên quá hải” trên hệ mái Chính điện, các bức tranh trong di tích vẽ hình chim Phượng, vân mây, Long Mã …. Bên trong bài trí rất trang trọng.
Từ khi xây dựng đến nay, đình Phong Phú đã trải qua một số lần trùng tu, cụ thể như sau:
+/. Năm 1957: Đại trùng tu Chính điện.
+/. Năm 1968: Thay ngói Chính điện, tu sửa thay đổi mặt ngoài và xây nhà Đông, nhà Tây.
Thông thường, việc tổ chức lễ hội đình làng ở Ninh Hòa nói chung và đình Phong Phú nói riêng theo truyền thống “Xuân Thu nhị kỳ”, một năm cúng hai lần gọi là cúng Xuân (cúng vào mùa Xuân) và cúng Thu (cúng vào mùa Thu), cụ thể vào mùa Xuân cúng vào tháng 02 (Âm lịch) và mùa Thu vào khoảng tháng 8 (Âm lịch). Đình Phong Phú tổ chức lễ hội một lần vào tháng 02 (Âm lịch) nhưng không có ngày cụ thể mà chọn ngày tốt trong tháng để cúng đình.
Lễ hội đình Phong Phú tổ chức 2 ngày. Lễ được tổ chức nghiêm trang, trang trọng, có tổ chức lễ rước sắc thần gửi tại chùa làng Phong Phú. Hội có hát bội, múa lân nhưng không tổ chức thường xuyên vì còn phụ thuộc vào kinh tế của dân làng đóng góp, ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: kéo co, ca nhạc, cổ nhạc…
Lễ hội đình Phong Phú có các nghi thức theo tứ tự các văn tế sau:
– Văn tế Tiền hiền
– Văn tế Thành Hoàng
– Văn tế Chiến sỹ
– Văn tế Tống Na
– Văn tế Âm hồn
– Văn tế Bà Thiên Y A Na
Ngày 10/10/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 2504/QĐ-UBND xếp hạng Đình Phong Phú là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.