Vùng đất thị xã Ninh Hòa có nhiều món ăn ngon, nổi tiếng, như: Nem nướng, nem chua, bún cá, bánh ướt… làm hài lòng không ít thực khách trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, ít ai biết nơi đây còn có một món ăn ngon và hấp dẫn không kém là bánh dây.
Trải qua nhiều công đoạn mới có được bột làm bánh đạt chất lượng vừa mịn vừa dẻo. |
Theo địa chỉ được cộng đồng mạng review, tôi tìm đến quán bánh dây 6 Phượng ở phường Ninh Thủy. Tuy quán ăn nhỏ nằm nép mình ở góc ngã ba đường nhưng có rất nhiều khách hàng xếp hàng đợi để lấy bánh đem về hoặc ăn tại chỗ. Chị Tống Thị Thanh Phượng (sinh năm 1984, trú phường Ninh Diêm, Ninh Hòa) cho biết, nhà chị đã 3 đời làm nghề bán bánh dây, từ thời bà ngoại của chị đến giờ. Bản thân chị đã phụ mẹ làm từ nhỏ nên học được nhiều kinh nghiệm. Bánh dây được làm bằng gạo và phải là gạo lúa cũ, vì gạo mới thì bột sẽ không làm bánh được. Để có gạo làm bánh ngon, gia đình chị phải mua trữ rồi dùng dần. Trước đây, bà của chị có dùng nếp để làm bánh; tuy nhiên, bánh làm bằng nếp không bảo quản được lâu nên không thể gửi đi nước ngoài. Bây giờ, chị làm bánh hoàn toàn bằng gạo tẻ, bánh được đóng gói, hút chân không rồi gửi đi Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bánh bảo quản ở ngăn đông và có thể sử dụng trong 6 tháng. Theo chị Phượng, nhiều kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, mỗi lần về thăm quê, sau khi được ăn bánh dây do chị làm thì rất thích nên thường dặn người nhà đặt bánh, gia vị rồi gửi sang như một món quà của quê hương.
Bánh dây được làm thủ công hoàn toàn. |
Để làm ra bánh dây phải trải qua nhiều công đoạn: Ngâm gạo, xay bột, đăng khô rồi nhồi cho bột dẻo. Sau đó, đem hấp chín bột, cho vào cối quết dẻo và đem ra nhồi tiếp lần hai. Tiếp đó, phải lược bột qua 2 công đoạn nữa để bột đạt đến độ vừa mịn vừa dẻo thì nặn bánh theo hình tròn qua chiếc vỉ tre do nhà chị tự làm, mỗi vỉ 4 – 5 cái. Cứ thế hết vỉ này đến vỉ khác, sau đó xếp các vỉ vào một xửng hấp bánh. Khoảng vài phút, bánh chín, chị Phượng vớt ra và bắt đầu gỡ từng chiếc bánh trên vỉ bán cho khách.
Chị Phượng chia sẻ: “Làm bánh dây rất cực vì làm thủ công hoàn toàn, tốn công sức và thời gian. Khâu làm bột bánh rất quan trọng, người làm phải có kinh nghiệm, vì vậy đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng công đoạn mới cho ra được bánh đạt chất lượng vừa dẻo vừa dai”. Mỗi ngày, chị Phượng bán số lượng bánh được làm từ 5kg gạo. Từ 5 giờ, chị đã phải dậy chuẩn bị bột để bán vào buổi chiều. Quán mở bán từ 13 đến 18 giờ mỗi ngày.
Hấp bánh trong vài phút để bột trong lại thì vớt bánh ra. |
Bánh dây là món ăn bình dân, quen thuộc của người dân ở đây. Sau khi bánh được xếp vào đĩa, người bán sẽ thoa lên trên một lớp mỡ hẹ. Bánh ăn kèm với xoài bào sợi, nước mắm ớt. Đặc biệt, tại quán của chị Phượng còn có nước cá ngừ nấu mẳn. Thực khách có thể chấm với nước mắm hoặc nước mắm pha nước cá kho, kèm thêm miếng cá nhỏ. Theo chị Phượng, sở dĩ dùng mỡ hẹ mà không phải mỡ hành vì hẹ thơm và để được lâu, có thể cấp đông gửi đi nước ngoài, người ăn chay có thể ăn được. Chị kho cá bằng muối hột. Ăn bánh dây chấm nước cá nấu mẳn sẽ đậm vị, thơm hơn. Có nhiều khách ban đầu không ăn được nước cá do sợ tanh, nhưng sau khi ăn thử thấy ngon nên ghiền.
Công đoạn gỡ từng chiếc bánh ra khỏi vỉ cũng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, cẩn thận. |
Bánh dây ăn kèm với xoài bào sợi, chấm nước mắm hoặc nước mắm pha nước cá kho mẳn. |
Bà Huỳnh Thị Hiền (phường Ninh Thủy) cho hay, bà thích ăn bánh dây với nước mắm pha nước cá nấu mẳn và thêm chút xoài cho đúng vị. Còn bà Trần Thị Loan chia sẻ: “Tôi là người ở phường Ninh Diêm, đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lần về quê, tôi thường ghé quán của chị Phượng. Bánh dây vừa dai, dẻo, lại mềm, nước chấm ngon nên tôi rất thích”.
Nếu có dịp ghé thăm vùng đất Ninh Hòa, bạn hãy nếm thử món ăn dân dã, có màu trắng trong, vừa dai vừa dẻo làm người ta nhớ mãi này nhé!